Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%. Như vậy xuất khẩu của khu vực FDI chiếm phần lớn (72,2%) và đang tiếp tục tăng so với năm trước, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm phần nhỏ (27,8%) và lại đang có xu hướng giảm hơn so với năm trước. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho các doanh nghiệp trong nước cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Khối doanh nghiệp FDI dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021 bởi làn sóng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc và sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước đang có chiều hướng phát triển chậm: năm 2020 số lượng doanh nghiệp trong nước rút lui khỏi thị trường là 101.719, tăng 13,9% so với năm 2019; số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Có 12/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với năm 2019, trong đó chủ yếu vẫn là các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 33,6%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 31,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 22%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 17,7%); Kinh doanh bất động sản (giảm 15,4%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 9,5%). 5/17 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong năm 2020 tăng so với năm 2019 là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 5.794 doanh nghiệp (tăng 243%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 2.640 doanh nghiệp (tăng 30,1%); Khai khoáng có 684 doanh nghiệp (tăng 4,9%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 11.527 doanh nghiệp (tăng 1,4%) và Xây dựng có 17.080 doanh nghiệp (tăng 0,4%).
Như vậy 5/12 ngành có số lượng doanh nghiệp tăng lên năm 2020 lại phần lớn nằm trong các ngành nghề kinh doanh thiết yếu và ngành xây dựng (vì giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh). Duy nhất có ngành nông nghiệp là ngành phục vụ xuất khẩu có số doanh nghiệp đăng ký tăng, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Hiện nay cả nước tổng số có trên 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng đông đảo doanh nghiệp này xuất khẩu chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các doanh nghiệp FDI tuy ít nhưng lại chiếm 72,2% tổng kim ngạch xuất khẩu và giúp Việt Nam xuất siêu.
Khối ngoại hiện đang chiếm ưu thế trong rất nhiều ngành như: ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến-chế tạo, bán lẻ, logistic, sản xuất và phân phối điện, năng lượng và năng lượng tái tạo, kinh doanh bất động sản… Các chuyên gia kinh tế nhận định các quốc gia không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ một nước, cũng như phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Điều này được giải thích dựa trên "nguyên lý phụ thuộc", tức là quốc gia phụ thuộc sẽ đóng vai trò bên lề trong khi quốc gia còn lại sẽ là quốc gia cốt lõi và nguồn lực sẽ mất dần từ quốc gia này sang quốc gia kia. Do đó, Việt Nam cần gia tăng sức mạnh nội tại thông qua một số giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Các DNVVN đóng vai trò là chất xúc tác của nền kinh tế và quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm. Đặc biệt, khi những doanh nghiệp này tác động ngược trở lại sẽ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, tăng cường hợp tác khu vực thông qua ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Cần có một kế hoạch tổng thể về kinh tế và công nghiệp ASEAN, tương tự như kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025. Kế hoạch này sẽ xác định mạng lưới sản xuất và cơ sở chuỗi cung ứng dựa trên lợi thế cạnh tranh hay vị trí chiến lược của các quốc gia thành viên. Ví dụ như việc tích hợp hoàn toàn các dây chuyền và khu sản xuất thiết bị điện & điện tử (E&E) của Việt Nam với Malaysia. Một giải pháp khác là khôi phục liên kết giao dịch ASEAN dựa trên Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF). Thông qua đó, cung cấp các chương trình đầu tư tập thể xuyên biên giới.
Thứ ba, tăng chi đầu tư trực tiếp trong nước, bao gồm cả đầu tư cho hoạt động R&D, xây dựng chiến lược tạo việc làm là trọng tâm của chiến lược kinh tế vĩ mô. Tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước hiện đại hóa sản xuất.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp từ vườn ươm, start-up đến đào tạo, quản trị, tài chính, thông tin định hướng, thị trường… Đẩy mạnh chiến lược phát triển thương hiệu Việt và quảng bá trên toàn thế giới.
Thứ năm, đa dạng hóa và thúc đẩy hơn nữa các liên kết thương mại và đầu tư ngoài các đối tác FDI truyền thống.
Giai đoạn 2021-2023 Chính phủ cần khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, bán lẻ, logistic, du lịch, công nghiệp hỗ trợ, giáo dục, y tế, ICT để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, tạo ra các thương hiệu lớn vươn ra cạnh tranh và kinh doanh toàn cầu.