Tình hình chung của tỉnh Ninh Bình trong 1 năm đầy khó khăn

Năm 2020 là một năm nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề cả về con người và thiệt hại về kinh tế, do đó phải áp dụng các biện pháp như phong tỏa, cách ly toàn xã hội, đóng cửa biên giới…gây ảnh hưởng lớn đến hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ như: Khách sạn, nhà hàng, giao thông, thương mại, du lịch. Trước tình hình đó,chính quyền và nhân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành vào cuộc tăng cường điều kiện, lực lượng tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đảm bảo sức khỏe, đời sống của nhân dân và ổn định xã hội, đồng thời có các biện pháp tích cực để khôi phục và phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh đã từng bước phục hồi tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh năm 2020 ước đạt trên 95,1 nghìn ha, giảm 2,7% (-2,6 nghìn ha). Trong đó: Diện tích cây lương thực có hạt đạt 77,1 nghìn ha, giảm 2,5% (-2,0 nghìn ha). Về chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt trên 54,2 nghìn tấn, tăng 1,3% (+0,7 nghìn tấn) so với năm 2019. Trong đó: Sản lượng thịt trâu ước đạt gần 1,0 nghìn tấn, sản lượng thịt bò ước đạt gần 2,5 nghìn tấn, sản lượng thịt lợn đạt trên 37,8 nghìn tấn, sản lượng thịt gia cầm ước đạt 11,4 nghìn tấn. So với cùng kỳ năm 2019, sản lượng thịt lợn giảm 0,9%; thịt bò giảm 0,1%; thịt trâu giảm 0,2%; thịt gia cầm tăng 9,7%. Công tác quản lý vấn đề lâm nghiệp, bảo vệ rừng cũng được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng,trong năm không xảy ra cháy, chặt phá rừng trái phép cũng như buôn bán động vật quý hiếm.

Trong sản xuất công nghiệp, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) toàn tỉnh cả năm 2020 tăng 6,54% so với năm 2019, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,28%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,29%; công nghiệp sản xuất, PP điện giảm 7,76%; sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,78%. Bên cạnh đó, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm sút như: Ngô ngọt đóng hộp đạt 3,4 nghìn tấn, giảm 32,6%;hàng thêu ren đạt 1.138,4 nghìn m2, giảm 28,8%; quần áo các loại đạt 87,8 triệu chiếc, giảm 13,9%; găng tay đạt 5,7 triệu đôi, giảm 47,3%; phân u rê 325,4 nghìn tấn, giảm 17,2%; phân lân nung chảy đạt 86,9 nghìn tấn, giảm 24,6%;linh kiện điện tử đạt 203,6 triệu sản phẩm, giảm 18,5%; tai nghe điện thoại di động đạt 17,3 triệu cái, giảm 20,2%; xe ô tô chở người 5-14 chỗ đạt 67,5 nghìn chiếc, giảm 1,5%; ô tô chở hàng hóa đạt 3.295 chiếc, giảm 36,4%; điện sản xuất 715,1 triệu Kwh, giảm 12,9%;...

Trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác