Trang thiết bị y tế (TTBYT) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân được chính xác, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Với sự phát triển của khoa học, ngày nay, TTBYT không chỉ giúp nối dài các giác quan mà còn giúp cho các thầy thuốc dễ dàng tiếp cận và xử lý được các tổn thương bên trong cơ thể như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot… thậm chí có thể thay bộ não con người (sử dụng trí tuệ nhân tạo) giúp đưa ra các quyết định một cách sáng suốt, đúng đắn và hiệu quả nhất trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh…
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới hầu hết các ngành nghề kinh tế, tuy nhiên, ngành dược và thiết bị - vật tư y tế lại có cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ, mức doanh thu và lợi nhuận cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, không phải nhờ có đại dịch mới làm gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế mà Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường dược phẩm và vật tư - thiết bị y tế vô cùng tiềm năng. Theo báo cáo của các chuyên gia phân tích kinh tế, chi phí chăm sóc y tế toàn cầu tăng lần lượt là 7,8% và 8% trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, tại Việt Nam, mức tăng được dự đoán sẽ đạt 18-20% trong năm 2020.
Doanh thu của thị trường thiết bị y tế hiện nay khoảng 2 tỉ USD và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng do nhiều bệnh viện lớn được xây mới, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho biết, mỗi năm có khoảng 50.000 người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh và chi khoảng 2,5 tỷ USD cho các dịch vụ này. Ở Việt Nam, trước đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư tập trung vào việc xây dựng bệnh viện, sản xuất và phân phối thuốc, nhưng khi đại dịch xảy ra các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm và đẩy mạnh đầu tư vào thị trường thiết bị y tế với giá trị doanh thu mang về hàng tỷ USD. Đại dịch Covid-19 giúp cho ngành công nghiệp sản xuất dược và thiết bị y tế tăng trưởng, đồng thời tái cơ cấu sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao. Đặc biệt nhóm ngành này hiện nay không chỉ hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà cả với đầu tư trong nước. Đầu tư trang thiết bị y tế sử dụng công nghệ cao tập trung vào các cơ sở y tế lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ… đang rất hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tiềm lực mạnh trên thế giới. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của thị trường này khoảng 20%/năm.
Hiện nay, Việt Nam được biết đến là thị trường xuất khẩu điện tử hàng đầu thế giới với tốc độ tăng trưởng ngành hàng bán lẻ điện tử trong nước giai đoạn 5 năm vừa qua là 25%. Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng thị trường điện tử trong nước với tốc độ tăng trưởng 18-20% của thị trường thiết bị y tế sẽ thấy rõ tiềm năng của ngành hàng này. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn bị thuyết phục bởi các yếu tố sau:
Thứ nhất, thống kê dân số cho thấy người dân Việt Nam đang già hoá nhanh nhất từ trước đến nay, độ tuổi từ 65 trở lên là khoảng 7,4 triệu người năm 2020 – chiếm gần 7,9% dân số cả nước. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu thăm khám tăng cao cũng như đòi hỏi nhiều trang thiết bị y tế hiện đại hơn được sử dụng trong công tác chẩn đoán - điều trị.
Thứ hai, quá trình đô thị hoá nhanh chóng và mức sống dân cư cải thiện với sự sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sức khoẻ của tầng lớp trung lưu và giàu có tăng mạnh.
Thứ ba, Nhà nước đầu tư nhiều hơn cho trang thiết bị y tế, tăng cường tuyến bệnh viện vệ tinh, chú trọng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ngành y tế. Với nguồn vốn tư nhân, qua nhiều chính sách khuyến khích phù hợp, số giường bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân ước tính sẽ chiếm 20% tổng số giường trong năm 2020 này, hầu hết được trang bị hiện đại, tối tân.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ Covid-19 cũng gợi mở hướng sản xuất chiến lược về thuốc, thiết bị, vật tư… Nhiều sản phẩm thiết yếu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế đã được doanh nghiệp Việt xuất khẩu tới các quốc gia khác nhau - góp phần củng cố thêm nhận định của nhiều chuyên gia: “Ngành dược, vật tư - thiết bị y tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số trong một vài năm tới”.
Bộ Y tế hiện đang xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" với mục tiêu phát triển ngành sản xuất TTBYT trong nước đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế, phù hợp với năng lực sản xuất các mặt hàng có thế mạnh và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Trong dự thảo Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế hiện đang được Bộ Y tế xây dựng, có nhiều đề xuất ưu đãi đối với hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế.
Cụ thể, theo dự thảo, nhà đầu tư có dự án sản xuất trang thiết bị y tế (TTBYT) thuộc loại B khi thuê đất của Nhà nước thì được áp dụng mức giá thấp nhất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định và được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư có dự án sản xuất TTBYT thuộc loại C, D được miễn tiền thuê đất kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Đồng thời, nhà đầu tư có dự án sản xuất TTBYT được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho công nhân, đất trồng cây xanh và đất phục vụ phúc lợi công cộng. Ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định trên, dự án sản xuất TTBYT còn được hưởng các ưu đãi đầu tư khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và khoa học, công nghệ.