Cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp đóng tàu:

Tổng kết sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09 về chiến lược biển Việt Nam, lĩnh vực kinh tế hàng hải đã có bước phát triển đáng kể, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục gia tăng. Cụ thể, tốc độ tăng trong giai đoạn 2007-2010 khoảng 22%/năm; giai đoạn 2011-2020 khoảng 13%/năm. Đội tàu biển trong nước, tính đến nay có tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng bình quân khoảng 10 - 11%/năm, container tăng bình quân 14 -15%/năm.
Trong tổng thể lĩnh vực kinh tế hàng hải, hệ thống cảng biển Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư rất tốt cả nguồn vốn trong nước và FDI và có sự đóng góp đáng kể vào các mục tiêu phát triển kinh tế biển. Đầu tư vào lĩnh vực logistic gắn với các cảng biển cũng tăng mạnh và còn tiếp tục tăng trong giai đoạn tiếp theo. Cả nước hiện có 45 cảng biển đang hoạt động, trong đó có 02 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế), 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực), 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương), 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi). Hệ thống cảng biển bao gồm 272 bến cảng với khoảng 92,2km chiều dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 550 triệu tấn hàng/năm. Trong khi đó thì ngành công nghiệp đóng tàu phát triển chậm, có thể nói là đang bị khủng hoảng về chiến lược phát triển, thu hút đầu tư rất kém.
Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á, là một trong 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về độ dài của bờ biển ở ba hướng Đông, Nam và Tây Nam cùng với vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông rộng hơn 1 triệu km2, nằm trên tuyến vận tải biển nhộn nhịp từ châu Âu, Trung Đông và châu Á Thái Bình Dương, có nhiều đảo, nhiều vịnh và hiện có 272 bến cảng, cùng với đó là 2 hệ thống sông nội địa lớn là sông Hồng và sông Mê kông, là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế cũng như ngành hàng hải, đóng tàu. Với những đặc điểm đó, chúng ta vẫn luôn được xác định là nước có vị trí thuận lợi trong việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Tuy nhiên ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam với bề dày phát triển gần 50 hiện vẫn chưa phát triển mạnh được. Đã có rất nhiều bài viết phân tích lý do chậm phát triển của ngành đóng tàu trong 10 năm vừa qua, tựu trung lại là do trước đây chiến lược ngành đóng tàu tập trung vào đóng mới và chúng ta đã không cạnh tranh được với các nước phát triển có bề dày kinh nghiệm, vốn và công nghệ; cộng với khủng hoảng nội bộ của Vinashin. Do không phát triển mạnh được, nên ngành đóng tàu của Việt Nam hiện nay ngày càng thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao, trình độ cao.

 

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, năm 2021 và các năm tiếp theo, cùng với cảng biển và logistic, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ bởi những lý do sau đây: Thứ nhất là do hoạt động thương mại, du lịch quay lại mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid19 được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu. Từ đó kéo theo nhu cầu về vận chuyển hàng hóa, vận tải, du lịch. Thứ hai là do thực hiện tiêu chuẩn khí thải mới của tàu biển từ năm 01/01/2020 nên sẽ có nhiều đơn đặt hàng cho dịch vụ sửa chữa tàu cho ngành đóng tàu Việt Nam. Mặc dù hiện nay số lượng nhà máy cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu khá ít ỏi, so với số lượng nhà máy đóng mới.  Thứ ba là xu thế chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng của một số ngành ra khỏi Trung Quốc, trong đó có ngành công nghiệp đóng tàu. Cuối cùng là “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, Việt Nam đã xác định kinh tế biển là động lực để lôi kéo, thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển. Từ đó tạo sự chuyển biến cơ bản và toàn diện cơ cấu kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bước đi quan trọng để thực hiện Chiến lược biển là phát triển công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.

Trong 5 - 10 năm tới, sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam, trong đó, công nghiệp đóng tàu chiếm một vị trí quan trọng và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Hiện nay các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Na-uy, Pháp, Anh… đang nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam. Về tiềm năng phát triển của ngành đóng tàu, trong tương lai Việt Nam sẽ phát triển các lĩnh vực như tàu chở hàng rời, tàu chở than, xà lan, tàu khai tác container, tàu chở khách, khai thác chế biến thủy sản… Đây là những loại tàu trong tương lai gần Việt Nam có nhu cầu phát triển. Định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp tàu thủy đến năm 2030 như sau:
+ Tiếp tục đầu tư chiều sâu các nhà máy, cơ sở công nghiệp và đào tạo thuộc ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam nhằm nâng cao công suất khai thác của các nhà máy đã đầu tư; xem xét đầu tư một số nhà máy tiềm năng với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ưu tiên sắp xếp lại các nhà máy đóng và sửa chữa tàu phù hợp với các đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực tàu thủy.
+ Lựa chọn đối tác chiến lược cho ngành công nghiệp tàu thủy, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị các tập đoàn đa quốc gia. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành công nghiệp tàu thủy; đẩy mạnh đổi mới công nghệ đóng mới và sửa chữa tàu.
+ Dành quỹ đất thích hợp tại các địa phương phục vụ phát triển công nghiệp tàu thủy; các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu được sử dụng nguồn vốn từ việc chuyển đổi công năng khi phải di dời theo quy hoạch. Áp dụng chính sách như đối với kho ngoại quan đối với việc nhập khẩu vật tư, thiết bị của các nhà máy đóng tàu xuất khẩu.
+ Đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp tàu thủy. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (cả trong và ngoài nước) tham gia đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ bằng các hình thức phù hợp theo quy định hiện hành. Nguồn vốn ngân sách chỉ tập trung đầu tư hỗ trợ một phần các hạng mục công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất (các hạng mục công trình công cộng, hạ tầng kết nối đến các nhà máy) cho các nhà máy thực hiện nhiệm vụ mục tiêu chiến lược quốc gia.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác