Cùng với Chính phủ và các doanh nghiệp trong cả nước chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2019-2023, ngành Hàng hải đã và đang nghiên cứu đề xuất các giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn lực trong xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau: ODA, FDI, phát hành trái phiếu, công trái, BOT, PPP, chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan... để phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải. Đặc biệt là hệ thống cảng biển. Cảng biển chính là một trong những khâu quan trọng nhất để các doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam.
Ngành hàng hải hiện đang thực hiện rất tốt chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng hải. Các bến cảng biển hiện nay hầu hết do doanh nghiệp đầu tư khai thác. Các bến cảng giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý khai thác cũng thực hiện cổ phần hóa. Một trong những thành tựu đạt được của hệ thống cảng biển Việt Nam là đã cơ bản hình thành, tạo nên mạng lưới cảng biển trên toàn quốc với các cảng biển có chức năng khác nhau, bao gồm cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng địa phương, khu vực, cảng cửa ngõ cho các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc-Trung-Nam. Đến nay, các cảng tổng hợp trọng điểm đã được đầu tư theo đúng quy hoạch được phê duyệt, chẳng hạn như cảng Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Thị Vải, Sài Gòn, Cần Thơ.
Thời gian qua, ngành hàng hải đã tận dụng nguồn vốn ODA để hoàn thành đầu tư các cảng trọng điểm ở 3 miền như: Cái Lân (Quảng Ninh - miền Bắc); Tiên Sa (Đà Nẵng - miền Trung) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu - miền Nam). Về cơ bản, hệ thống cảng biển đã đảm bảo lưu thông lượng hàng xuất nhập khẩu và kết nối giữa các vùng miền trong nước bằng đường biển, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh nguồn vốn xã hội hóa trong nước và ODA phải kể đến nguồn vốn FDI vào đầu tư hạ tầng cảng biển thời gian qua của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển như: Hutchison, PSA, DP World, SSA, Maersk A/S, CMA-CGM… Đây là nền tảng rất thuận lợi để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng hải và khai thác cảng biển hàng đầu thế giới.
Hiện nay cả nước có 272 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng đạt 92,2 km với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm
Hiện nay, Việt Nam đang thực sự thiếu cảng biển quốc tế, cảng biển lớn có đủ điều kiện tiếp nhận tàu trọng tải cỡ trung bình của thế giới. Trong khi đó ngành vận tải biển, logistics phát triển quá nhanh trong hai năm trở lại đây. Hiện nhiều cảng biển, nhất là các cảng biển ở miền Trung và miền Nam, đã quá công suất lưu lượng hàng qua cảng theo thiết kế, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu phàn nàn khi lượng hàng hóa của họ được trung chuyển qua cảng và xuất đi mất nhiều thời gian hơn trước. Thời gian tới khi đại dịch Covid19 được kiểm soát, làn sóng FDI chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam và các Hiệp định thương mại tự do được thực thi mạnh mẽ dẫn đến hoạt động sản xuất, thương mại xuất nhập khẩu tăng vọt sẽ khiến cho các cảng biển hoạt động quá công suất nếu như Việt Nam không kịp thời có định hướng phát triển, quy hoach và chiến lược thu hút đầu tư tốt cho hệ thống hạ tầng hàng hải, cảng biển và logistic trong cả nước. Đầu tư ở đây bao gồm: nâng cấp, mở rộng và đầu tư xây dựng mới.
Một số lưu ý trong việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng hàng hải và cảng biển là cần phải thực sự gắn việc xây dựng cảng biển với chiến lược phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của vùng để tạo tính đồng bộ hóa trong phát triển. Đảm bảo các cảng biển khi đi vào hoạt động được sử dụng đúng công suất, hiệu quả, bền vững. Gắn việc đầu tư xây dựng cảng biển với xây dựng mô hình quản lý cảng tiên tiến để tối ưu hóa việc đầu tư khai thác cảng.