An Giang – bến đỗ của nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp lớn

An Giang là tỉnh đầu nguồn Sông Cửu Long, nằm trong tứ giác Long Xuyên cùng với Kiên Giang, Cần Thơ và Cà Mau. Giao thông chính của tỉnh là một phần của mạng lưới giao thông liên vùng quan trọng của quốc gia và quốc tế, có cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương – Tân Châu và Long Bình – An Phú. Tỉnh có vị trí địa lý là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN, thêm vào đó là điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.

 

Trong thời gian qua, với những nỗ lực của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năm 2019, An Giang đã giữ vững tốc độ tăng trưởng hợp lý ở cả 3 khu vực, cơ cấu có xu hướng chuyển biến theo hướng tích cực. Hiện An Giang đã có 3 Nhà máy điện năng lượng mặt trời bắt đầu đi vào hoạt động từ 7/2019 với tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, công suất gần 200 Mwh, thu hút hơn 300 lao động, từ đó, đẩy mạnh các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá; môi trường đầu tư và điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững và ổn định.


Thu hút đầu tư vào tỉnh An Giang trong những năm gần đây tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng dự án lẫn quy mô vốn đầu tư. Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, trong 5 năm qua, tỉnh An Giang đã thu hút được 340 dự án đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 78.419 tỷ đồng (trong đó có 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI). So với giai đoạn 2011 - 2015, số dự án tăng 60,4% và tổng vốn đăng ký tăng 1,8 lần. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng An Giang vẫn thu hút được 47 dự án đăng ký đầu tư (trong đó có 1 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký mới 9.826 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn chọn An Giang làm “bến đỗ”, với việc triển khai các dự án có quy mô vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng, cùng chiến lược đầu tư bài bản, có chiều sâu, theo hướng xây dựng chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng…, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh. Có thể kể đến là các tập đoàn TH, T&T, FLC, Sunrise… Phần lớn các dự án đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, du lịch, bất động sản. Đây là những ngành mà An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế và đang khuyến khích đầu tư.


Nhằm xây dựng hình ảnh An Giang là điểm đến thân thiện với nhà đầu tư, tỉnh sẽ tập trung theo dõi và kịp thời tháo gỡ khó khăn các dự án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh trao chủ trương đầu tư và cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cuối năm 2018. Đồng thời, An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Ban Hỗ trợ doanh nghiệp, công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và doanh nghiệp được biết. Tiếp tục duy trì đối thoại giữa Ban Hỗ trợ doanh nghiệp với doanh nghiệp để lắng nghe những góp ý thẳng thắn, không né tránh, đúng bản chất vấn đề. Duy trì các buổi làm việc trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để tham vấn chính sách, cơ chế hợp tác để triển khai những công trình, dự án trọng điểm.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác