ƯU ĐÃI EVFTA THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI THỦY SẢN VÀ DỆT MAY

ƯU ĐÃI EVFTA THU HÚT CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
 ĐỐI VỚI THỦY SẢN VÀ DỆT MAY




 Trịnh Thị Thu Hiền
 Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa
 Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương





Lời văn Nghị định thư Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định Thương mại tẹ do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) đã được thống nhất với những nội dung cơ bản tương tự một số Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cho phép áp dụng nội dung mới mang tính đột phá về quy định cộng gộp mở rộng xuất xứ, từ đó thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là thủy sản và dệt may.

1. Quy tắc xuất xứ đối với hàng thủy sản
Các nhà đàm phán Việt Nam đã nỗ lực thuyết phục phía EU linh hoạt mặt hàng mực và bạch tuộc chế biến của Việt Nam được áp dụng cộng gộp mở rộng với các nước ASEAN. Theo đó, nguyên liệu để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến được phép nhập khẩu từ ASEAN để sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi EU và hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định EVFTA. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư ASEAN đầu tư vào các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam nhằm tận dụng chuỗi cung ứng khu vực và hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. 

2. Quy tắc xuất xứ hàng Dệt may 
EVFTA quy định tiêu chí xuất xứ cho sản phẩm dệt may là tiêu chí hai công đoạn, nghĩa là (i) công đoạn dệt vải và (ii) công đoạn may thành phẩm phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Với quy định xuất xứ như vậy, vải sử dụng để cắt may phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU. Điều này thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng họăc mở rộng sản xuất vải tại Việt Nam để đáp ứng tiêu chí hai công đoạn nêu trên.
Bên cạnh đó, EU cũng dành cơ chế linh hoạt cho Việt Nam đối với quy tắc hai công đoạn này. Cụ thể, Việt Nam được phép cộng gộp mở rộng với các nước đối tác FTA chung của Việt Nam và EU. Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác FTA chung của EU và Việt Nam khi cùng có Hiệp định Thương mại tự do EU – Hàn Quốc (EKFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Điều này nghĩa là các nhà sản xuất Việt Nam được phép sử dụng vải có xuất xứ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm dệt may xuất khẩu đi EU và hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA. Quy định này một mặt tạo điều kiện cho nhà sản xuất Việt Nam được phép sử dụng vải Hàn Quốc; mặt khác, thúc đẩy các nhà đầu tư Hàn Quốc xây dựng nhà xưởng sản xuất vải tại Việt Nam để hoàn thiện chuỗi giá trị giúp hàng dệt may đáp ứng xuất xứ và hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu đi EU. Trong tương lai, khi EU và Việt Nam có thêm nhiều đối tác chung, quy định cộng gộp mở rộng sẽ càng thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển chuỗi cung ứng và gia công, sản xuất tại Việt Nam./.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác