Việt Nam và Băng-la-đét ký kết gia hạn MOU về Thương mại gạo cấp Chính phủ

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 22-25/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Lương thực Băng-la-đét Advocate Md Qamrul Islam, chiều ngày 23/5/2017 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của hai Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam thay mặt Chính phủ Băng-la-đét đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Băng-la-đét.

MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký, từ năm 2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Băng-la-đét số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng. Về phía Bộ Công Thương, việc ký MOU lần này là tiếp tục hiện thực hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như những định hướng của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây, kết quả này thực sự là hành động thiết thực, nhanh chóng, hiệu quả và sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ nói chung và triển khai kịp thời của Bộ Công Thương nói riêng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đầu ra mới và tiềm năng.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (phải)

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao chuyến thăm của Ngài Bộ trưởng Băng-la-đét và hy vọng những ngày làm việc hiệu quả tại Việt Nam của Ngài sẽ giúp các doanh nghiệp hai nước hiểu thêm về nhau, từ đó góp phần xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bên cũng như thắt chặt tình cảm gắn bó giữa hai quốc gia Việt Nam và Băng-la-đét.

MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Băng-la-đét được ký lần đầu vào ngày 18/4/2011 tại Hà Nội và có thời hạn đến ngày 31/12/2013. Sau đó, ngày 02/01/2014, hai bên đã ký lại để gia hạn MOU nói trên có hiệu lực tới ngày 31/12/2016. Theo đó, năm 2011 và năm 2012, phía Việt Nam đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn gạo sang Băng-la-đét để phục vụ nhu cầu trong nước cho phía Bạn. Trong những năm tiếp theo, Băng-la-đét đã tự túc và sản lượng lúa gạo đã đủ cung cấp cho tiêu thụ nội địa nên phía Bạn chưa đặt thêm vấn đề mua gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 02 năm gần đây, Băng-la-đét liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước.

Tiếp tục triển khai công tác phát triển thị trường nước ngoài, trong bối cảnh tình hình thị trường tiêu thụ đầu ra còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trong đó tập trung đối với mặt hàng gạo. Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm các cơ hội ký kết các thỏa thuận cấp Chính phủ hoặc cấp Bộ nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Bên cạnh những thị trường truyền thống, Bộ Công Thương còn chú trọng tập trung khai thác các thị trường mới, có nhiều tiềm năng, có dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ gạo cao, sức mua ổn định và lâu dài, cơ chế nhập khẩu gạo do nhà nước quản lý theo đầu mối để đặt vấn đề, đàm phán, ký kết MOU về thương mại gạo tạo khuôn khổ thuận lợi cho xuất khẩu gạo bền vững.

Với sự chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, theo thông tin được biết, ngay khi tiếp cận và nắm được nhu cầu của phía Băng-la-đét, nhằm tranh thủ tận dụng được cơ hội mở thị trường xuất khẩu gạo, chỉ trong thời gian ngắn chưa đầy 2 tuần lễ, Bộ Công Thương đã khẩn trương trao đổi với phía Băng-la-đét trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp để xác định cơ hội cụ thể, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lấy ý kiến tham gia về nội dung dự thảo và sau đó báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để chính thức ký MOU này. Việc Băng-la-đét đồng ý ký kết gia hạn MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ để tiếp tục mua gạo của Việt Nam cũng như việc cử Bộ trưởng Bộ Lương thực sang Việt Nam để ký MOU này đã thể hiện việc phía Bạn rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Phía Bạn đánh giá rất cao chất lượng, giá cả cũng như cách thức triển khai hợp đồng, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong những lần hợp tác trước. Vì vậy, mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh về chất lượng, giá cả cũng như khoảng cách địa lý, phía Băng-la-đét vẫn quyết định chọn Việt Nam là nước cung cấp gạo cho Băng-la-đét trong thời gian dài sắp tới.

MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký, từ năm 2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Băng-la-đét số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.



Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Băng-la-đét đã thông báo việc phía Băng-la-đét mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía Bạn chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang Băng-la-đét trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng… với đầu mối của phía Băng-la-đét về đơn hàng nêu trên. Đồng thời, phía Bạn cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.



Việc ký kết MOU về Thương mại gạo ở cấp Chính phủ lần này là dấu ấn quan trọng trong quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Băng-la-đét, giúp tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Bên cạnh đó, việc ký MOU này sẽ tiếp tục duy trì khung pháp lý ổn định lâu dài về thương mại gạo giữa hai nước. Qua đó, Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh lương thực cho Băng-la-đét trong bối cảnh phía Bạn đang gặp khó khăn trong nước.

Băng-la-đét là thị trường có dân số rất đông, trên 170 triệu người, sức tiêu thụ cao trong khi khả năng cung ứng lương thực còn thấp, thường xuyên phải đối mặt với mất mùa, thiên tai. Trong bối cảnh ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, việc Chính phủ hai nước ký kết gia hạn được Bản ghi nhớ này trong thời gian 05 năm sẽ giúp ngành sản xuất lúa gạo trong nước giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân yên tâm canh tác.

Cũng trong ngày 23 tháng 5 năm 2017, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Qamrul Islam – Bộ trưởng Bộ Lương thực Băng-la-đét nhằm trao đổi, thảo luận các vấn đề, biện pháp, cách thức phối hợp trong thời gian tới để tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại gạo. Tham dự buổi làm việc với Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị và truyền thống với Băng-la-đét. Hai nước trong thời gian qua đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao cũng như nhiều đoàn doanh nghiệp sang làm việc, xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh và đầu tư. Hai Bên cũng đã ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận, nghị định thư về hợp tác ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư… như: Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ hai nước; Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp giữa Việt Nam-Băng-la-đét, Thỏa thuận Thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-Băng-la-đét…

Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng nhận thấy quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước đã và đang có những bước phát triển bền vững, tích cực trong thời gian gần đây. Năm 2016, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 608 triệu USD, tăng 3,1% so với năm 2015. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trao đổi thương mại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác và mong muốn của hai Bên. Hai nước hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại đối với các sản phẩm mà mỗi Bên có lợi thế và có thể bổ sung cho nhau. Ngoài trao đổi thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai nước cũng có nhiều triển vọng phát triển, nhất là trong lĩnh vực hợp tác chế tạo máy nông nghiệp tại Băng-la-đét.

Ngài Qamrul Islam cảm ơn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dành thời gian tiếp đoàn, nhất trí với các ý kiến Bộ trưởng đã nêu và cho biết Chính phủ Băng-la-đét luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan của phía Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Trong thời gian tới, nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lương thực Băng-la-đét đã thống nhất một số các biện pháp, lĩnh vực mà hai Bên có thể cùng hợp tác, phát triển như: hai Bên cần tăng cường và tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tham vấn giữa các cơ quan liên quan; trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp tham dự các Hội chợ, triển lãm được tổ chức tại mỗi nước; hai Bên sớm thống nhất thời gian tổ chức Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 3 và Kỳ họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 2 để rà soát, đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác cho từng lĩnh vực; hai Bên cần đẩy mạnh, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mà hai Bên có thế mạnh như hóa chất, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, nông thổ sản…

Hồng Hạnh

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác