2. Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa luôn đứng trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; toàn tỉnh hiện có 132 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký là 14,1 tỷ USD, đứng thứ 8 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2020 tuy bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô cấp quốc gia, thu hút 34 dự án, tổng mức đầu tư 15 tỷ USD; trong đó có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư tổng 2,5 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ với 15 đại diện chủ dự án dự kiến đầu tư 12,5 tỷ USD vào khu vực này.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020. Nguồn Internet
Cũng năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh gây nhiều hạn chế, song nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), Tập đoàn Mintal (Hồng Kông), Tập đoàn Fangda (Trung Quốc), Tập đoàn INTCO (Singapore), Tập đoàn Chuwa Busan (Nhật Bản), các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)... Lũy kế đến nay, Ban quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn của tỉnh đã thu hút được 625 dự án đầu tư, trong đó có 565 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 150.800 tỷ đồng và 60 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 13,5 tỷ USD.
Bộ Chính trị cũng đã ra Nghị quyết về phát triển Thanh Hóa với mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới; nằm trong tứ giác tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hoá. Nghị quyết đặt ra cho Thanh Hóa phải là một cực phát triển để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Với sự phát triển của Thanh Hóa thì Thanh Hóa trở thành một cực phát triển, một động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ, tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển, đồng thời tạo ra sự kết nối giữa Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa với Duyên hải Bắc Bộ cũng như với vùng Tây Bắc. Có nghĩa là với sự phát triển của Thanh Hóa, tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của hầu như toàn bộ các tỉnh phía Bắc.
Theo đó giai đoạn 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KKT Nghi Sơn và các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm các quy định của pháp luật. Tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã và đang đầu tư vào khu vực này, góp phần xây dựng, phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp-đô thị-dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; phát triển sôi động KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo; là đầu mối quan trọng, nơi trao đổi hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện 3 đột phá chiến lược, gồm:
Đột phát về thể chế: Đột phá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính công; mức độ ứng dụng và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thể chế liên kết vùng.
Đột phá về cơ sở hạ tầng: Đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các cực tăng trưởng, kết nối với các tỉnh khác ngoài vùng (Tây Tây Bắc; đồng bằng sông Hồng: đường cao tốc, đường ven biển…); Trung tâm lôgicstics hạng I; Cảng nước sâu Nghi Sơn hạng I A; nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn quốc tế…
Đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao: Cán bộ lãnh đạo, quản lý; nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực; văn hoá và con người Thanh Hoá.
Tỉnh Thanh Hóa xác định tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực gồm: TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc: Thạch Thành – Bỉm Sơn và Khu trung tâm động lực phía Tây: Lam Sơn – Sao Vàng.
5 trụ cột tăng trưởng được xác định bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Du lịch; Y tế và Phát triển hạ tầng.
Phát triển 6 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế ven biển; Hành lang kinh tế Bắc – Nam; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh; Hành lang kinh tế Đông Bắc; Hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế.
Riêng KKT Nghi Sơn và các KCN phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại 1.125.000 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, đóng góp 118.800 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm mới cho 35.000 lao động. Qua đó tạo thêm động lực phát triển vùng Bắc Trung bộ, góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, hợp thành tứ giác phát triển phía bắc Tổ quốc và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.