Hướng đi cho doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất chế biến rau quả, nông sản xuất khẩu:

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016-2020, ngành rau quả nông sản chế biến đã có bước phát triển mạnh so với 5 năm trước, khi tốc độ tăng trưởng hàng năm bình quân 8-10%. Nhờ công nghiệp chế biến rau quả tăng, mà các mặt hàng xuất khẩu tăng bình quân 20-30%/năm trong 3 năm vừa qua. Năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid19, nhưng sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến. Trong tháng 9/2020, một loạt các mặt hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu những lô đầu tiên đi EU theo Hiệp định EVFTA. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu trong quý IV năm 2020 xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, hướng tới hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 40 tỷ USD. 
Tuy nhiên, khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo các nhà sản xuất Việt Nam cần phải lưu ý thay đổi về tiêu chuẩn áp dụng lên hàng hóa và công nghệ chế biến hàng hóa. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, máy móc phù hợp, nâng cao kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong nuôi, trồng. Đối với tiêu chuẩn, trước hết các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm không chỉ là VietGAP mà phải nâng lên GlobalGAP. Thứ hai là năng lực chế biến nông sản cũng cần được tăng lên để phù hợp hơn với đòi hỏi từ EU: không phải mặt hàng nông nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội, bởi hầu hết chỉ xuất thô, trong khi đó sản phẩm được giảm thuế là mặt hàng chế biến sâu và người tiêu dùng cũng đang có xu hướng sử dụng sản phẩm chế biến sâu nhiều hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải phát triển các sản phẩm có sự chế biến tốt, bảo quản dài ngày để có thể chinh phục được thị trường các nước phát triển. Các địa phương, cần quy hoạch ổn định lâu dài các vùng, tiểu vùng và địa bàn sản xuất, bảo đảm đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đúng yêu cầu, quy định của thị trường xuất khẩu. Trên cơ sở đó, thực hiện cấp mã vùng sản xuất, các số liệu cơ bản để đưa vào thông tin truy xuất nguồn gốc. 
Để các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam chế biến sâu mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU, Mỹ không dễ, bởi việc thay đổi công nghệ đang gặp không ít khó khăn do tất cả máy móc chế biến rau, quả, nông sản phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên giá thành rất cao. Vậy các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư sản xuất theo hướng nào để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào của các địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI có lợi thế về mặt công nghệ và vốn? Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia kinh tế:
Có GlobalGAP, 2 loại trái cây này yên tâm vi vu trời Tây

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Thứ nhất, để giảm chi phí đầu tư máy móc, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan cần liên kết với các DN, tập trung nghiên cứu các loại máy móc sơ chế, chế biến rau, quả nông sản. Theo đó, có nhiều loại máy mà Việt Nam có thể chế tạo như: Máy rửa hoa quả, máy bóc vỏ, máy ép nước… và cần có cơ chế khuyến khích để DN đầu tư sản xuất máy móc này.
Thứ hai, Nhà nước cần thông tin rộng rãi về quy hoạch phát triển nông nghiệp các địa phương, gần với nguồn nguyên liệu để các doanh nghiệp biết và nghiên cứu đầu tư sản xuất. Đồng thời, cần rà soát, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở cung - cầu. Giữ vai trò kết nối người nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu thành một chuỗi liên tục.
Thứ ba, cần có chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực, nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào chế biến nông sản.
Thứ tư, cần có chương trình xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu rau quả, nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động kết nối để liên doanh, liên kết một cách khôn ngoan với các đối tác nước ngoài có công nghệ chế biến tiên tiến và có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp cần chủ động tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại do các Bộ ngành và các tổ chức xúc tiến tổ chức.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác