Thu hút FDI đạt hơn 18,7 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 3 điểm phần trăm so với 8 tháng. Trong đó, có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,8% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 7,12 tỷ USD (giảm 43% so với cùng kỳ). Ngoài ra, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD (tăng 29,9% so với cùng kỳ); 2.697 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỷ USD (tăng 1,9% so với cùng kỳ).
 
(FDI 9 tháng qua các năm – tỷ USD)
Trong 9 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD. Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,7% và 15,9% tổng số dự án.
Tính lũy kế đến ngày 20/9/2022, cả nước có 35.725 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 431,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 267 tỷ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác