Thêm một Khu công nghiệp chuẩn bị được đầu tư ở Bình Thuận

Thuộc địa bàn xã Tân Đức, dự án Đầu tư Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức (KCN Tân Đức) do Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư, có diện tích 300 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Thời gian qua, dự án này được chủ đầu tư quan tâm xúc tiến công tác chuẩn bị khởi công xây dựng như trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi. Bên cạnh đó đã phê duyệt thiết kế thi công các hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, công trình nhà máy xử lý nước thải, nhà điều hành, hệ thống chiếu sáng…
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, đến nay chủ đầu tư cũng phối hợp Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai hoàn tất công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế cơ sở, phê duyệt dự án đầu tư tuyến ống cấp nước phục vụ cho KCN. Đồng thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đẩy nhanh đầu tư trạm điện 110 kV cho KCN Tân Đức. Cùng với đó đề nghị Điện lực Bình Thuận xem xét, hướng dẫn các thủ tục để đấu nối vào hệ thống đường điện hiện hữu qua KCN Tân Đức, phục vụ thi công dự án theo kế hoạch.
 

Đối với công tác đền bù giải tỏa đất KCN, hiện chủ đầu tư đã phối hợp Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Tân và UBND xã Tân Đức tiến hành công tác thu hồi đất. Trong đó có thu hồi đất của 1 tổ chức (UBND xã Tân Đức) là 6,68 ha và tổ chức kiểm kê hoàn thành 221/221 hộ dân với diện tích hơn 290 ha, đạt 100% diện tích phải đền bù giải tỏa thuộc dự án KCN Tân Đức. Tiếp đó xúc tiến công tác lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng như chi trả đối với diện tích giải phóng mặt bằng… Được biết theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác chuẩn bị đầu tư và đền bù giải tỏa dự án KCN Tân Đức cần hoàn thành trong tháng 11, tiến đến khởi công xây dựng vào cuối năm 2022.
Dự án KCN Tân Đức trên địa bàn huyện Hàm Tân được hình thành hướng đến là KCN tập trung, đa ngành nghề, thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, xử lý triệt để chất thải, không gây ô nhiễm môi trường. Dự kiến bao gồm: Sản xuất sản phẩm dệt may, sản xuất máy móc thiết bị cơ khí, vật liệu xây dựng, điện tử, cơ khí, dược phẩm, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng… Ngoài ra, còn có một số ngành nghề theo quy định hiện hành, nhưng không bao gồm ngành nghề có tính chất ô nhiễm cao, dễ gây ô nhiễm môi trường.
Khi đi vào hoạt động, KCN Tân Đức dự tính sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký lên đến hàng trăm triệu USD, tham gia giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Qua đó không những đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương mà còn thúc đẩy công nghiệp phía Nam Bình Thuận phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại vùng dự án…


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác