FDI là mảng sáng của kinh tế Việt Nam năm 2019

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành kinh tế, trong đó có chế biến, chế tạo với 24,56 tỷ USD, chiếm 664,6%; kinh doanh bất động sản với 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% vốn đăng ký; tiếp theo là bán buôn bán lẻ, khoa học và công nghệ.

Phân bố vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục giữ tỷ trọng như những năm trước, trong đó có một số chuyển dịch tích cực đối với kinh doanh bất động sản, do thị trường mở rộng, doanh nghiệp trong nước có tiềm lực mạnh hơn, nên một số nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết chuyển giao công nghệ mới, phương thức kinh doanh mới cho doanh nghiệp trong nước.

Hoạt động M&A trở nên sôi nổi trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đăng ký: năm 2017 chiếm 17,02%,  năm 2018 chiếm 27,78%, năm 2019 chiếm 56,4%. Đó là tín hiệu đáng mừng do 2 nguyên nhân chính: quy mô doanh nghiệp trong nước đã lớn mạnh tạo ra nguồn cung dồi dào cho M&A và chính sách mở cửa với thị trường chứng khoán theo chủ trương nới rộng cho nhà đầu tư nước ngoài.

M&A có lợi thế so với đầu tư mới, vì nhà đầu tư tìm đến các doanh nghiệp có thể mang lại lợi nhuận cho họ trên cơ sở theo dõi và nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp bán cổ phần; thời gian thực hiện dự án nhanh hơn nhiều vì thủ tục đơn giản hơn.

Tuy vậy, chất lượng và hiệu quả của FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới,sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, 3.833 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn đăng ký 16,75 tỷ USD, trung bình mỗi dự án chỉ có khoảng 4,3 triệu USD vốn đăng ký. Một số địa phương còn thu hút cả những dự án 1-2 triệu USD, thậm chí dưới 1 triệu USD. Tất nhiên, tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực để bàn về quy mô dự án; đối với một số lĩnh vực dịch vụ thì không đòi hỏi quy mô lớn, nhưng đối với sản xuất, chế biến thì cần quan tâm đến quy mô dự án, khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đủ năng lực, cần được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án đó.

Có tình trạng thiếu vắng dự án quy mô lớn. Nếu năm 2018 có một số dự án quy mô lớn như Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội)liên doanh với Nhật Bản 4,14 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng  của Hàn Quốc đầu tư 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu; thì năm 2019, dự án quy mô lớn nhất là 420 triệu USD.

Trong ngành chế tạo, chế biến, chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như AI, blockchain, fintech, trung tâm R&D, nhất là ở 2 trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP.HCM có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao.

Điều chỉnh tăng vốn chủ yếu là của các dự án nhỏ,không có dự án quy mô lớn như năm 2018 (Công ty TNHH Laguna - Singapore điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD).



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác