ĐẦU TƯ VÀO ĐÀ NẴNG 05 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

Thành phố Đà Nẵng xác định, đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đảm bảo thu hút đầu tư có hiệu quả, bền vững, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Thành phố Đà Nẵng 
Nguồn: Internet.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, trong năm 2021, Đà Nẵng thu hút được 237,174 triệu USD. Trong đó, cấp mới được 42 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 150,231 triệu USD; 22 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 75,299 triệu USD. Đối với dự án cấp mới, trong Khu công nghệ cao cấp mới 5 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư đăng ký là 145,45 triệu USD; ngoài các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, số dự án cấp mới là 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,78 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng thu hút được 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,064 triệu USD; 9 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 1,267 triệu USD, lũy kế đến 15/5/2022, Thành phố có 920 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,874 tỷ USD.
Ngày 26/10/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 17-1-2022 về việc triển khai thực hiện “Đề án Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 thu hút vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD và đến giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 4 tỷ USD.
Ngoài ra, Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018. Tỷ lệ nội địa hóa tăng lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 75% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Theo Đề án, Thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghê thông tin đón dòng vốn dịch chuyển; triển khai đầu tư 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn vốn đầu tư công đã được phê duyệt. Tiếp tục triển khai các đề án phát triển nguồn nhân lực khu vực công của thành phố nhằm xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, coi doanh nghiệp/nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính; khuyến khích sự năng động, sáng tạo của cán bộ và xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ.
Thành phố định hướng không chấp thuận, tiếp nhận các dự án có sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, sử dụng lãng phí tài nguyên, không thân thiện với môi trường, thâm dụng lao động, đặc biệt các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng – an ninh.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung thu hút đầu tư và lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo… cùng với việc tiếp tục tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung cầu về nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo từng lĩnh vực, ưu tiên các ngành công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác. Nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động.




Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác