Chủ tịch SCIC hiến kế khơi thông nguồn lực DNNN

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tổ chức ngày 24/3/2022, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã đưa ra 4 kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DNNN; khơi thông và huy động nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, SCIC sẽ phối hợp cùng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số tổng công ty nhà nước khác để huy động vốn và thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm mà nhà nước đầu tư và nắm giữ chi phối.

Khi tham gia đầu tư, SCIC - với vai trò là nhà đầu tư tài chính, phối hợp cùng các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước - với vai trò là nhà đầu tư chuyên ngành (như cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, đường cao tốc; năng lượng; viễn thông; công nghệ mới...) thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả; thực hiện tăng vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước…, thông qua đó tạo động lực mở đường, dẫn dắt, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.



Ảnh:Chủ tịch SCIC Nguyễn Chí Thành nêu 4 kiến nghị khơi thông nguồn lực DNNN

Thứ hai, SCIC kiến nghị cần có một hệ thống cơ chế chính sách đặc thù mang tính đột phá và đầu tư bổ sung cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn, tập trung vào các “sếu đầu đàn” của nền kinh tế.

Hiện nay, các DNNN quy mô lớn bao gồm 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Viettel, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và một số tổng công ty nhà nước khác nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.

Với thực tế đó, Chính phủ cần ban hành một Nghị quyết riêng hoặc báo cáo Quốc hội có luật riêng về cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bổ sung nguồn lực để củng cố, phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 khẳng định: “Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”. Triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án: “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”. Trong dự thảo Đề án này, Bộ KHĐT đã lựa chọn SCIC với định hướng chuyển đổi hoạt động theo mô hình QĐTCP là 1 trong 8 tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt.

Thứ ba, SCIC kiến nghị mọi khoản đầu tư của nhà nước cho DNNN nên được thực hiện thông qua SCIC; Giao SCIC làm đầu mối để huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển DNNN quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm thế giới (đặc biệt là ở các nước ASEAN như Singapore, Malaysia), các tổ chức tài chính của nhà nước là đầu mối quan trọng để nhà nước thực hiện đầu tư vào các ngành, lĩnh vực dẫn dắt nền kinh tế, theo mục tiêu của Chính phủ

Với nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy sau 15 năm hoạt động, việc SCIC thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC và được thể hiện xuyên suốt từ khi thành lập đến nay.

Tính đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư với tổng số tiền 36.841 tỷ đồng. Năng lực đầu tư của SCIC đã từng bước được tích lũy, tăng cường. Vốn chủ sở hữu đạt gần 60.500 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); Vốn hóa thị trường của danh mục đạt trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD). SCIC đã tích lũy được những kinh nghiệm, uy tín và lợi thế trong quá trình đầu tư kinh doanh vốn, đồng thời Tổng công ty đã xây dựng đội ngũ trên 200 cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm trong quản trị và đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.

Thứ tư, SCIC đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy định về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của DNNN theo hướng tăng tính chủ động cho DNNN, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên khoa học và công nghệ.

Hiện nay, SCIC đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Đề án “Xây dựng cơ chế, giải pháp triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao SCIC tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 và thí điểm sử dụng Quỹ phát triển Khoa học công nghệ của SCIC để tài trợ, đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Đề án đang được SCIC lấy ý kiến các cơ quan chức năng để cùng với Bộ khoa học và Công nghệ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Khi các nút thắt về cơ chế được tháo gỡ và nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ được khơi thông, nguồn lực đã được tích lũy trong nhiều năm tại các DNNN cho phát triển khoa học công nghệ sẽ giúp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại DNNN, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác