Cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm
Tại phiên họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP đã ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm). Việc sử dụng quyền nội luật hóa cam kết giúp Việt Nam mở cửa thị trường một cách chủ động, thực hiện cam kết một cách chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hoàn chỉnh đầy đủ các yếu tố của thị trường bảo hiểm trong nước.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày Tờ trình |
Hoạt động phụ trợ bảo hiểm đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, có vai trò quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro; đề phòng, hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm đã và đang sử dụng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm: Tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới thì lúc đó ngành bảo hiểm ở Việt Nam mức độ phát triển còn tương đối thấp.
“Đứng trước thực tiễn đó, kết hợp với việc một lần nữa Việt Nam đưa ra cam kết của mình về mở cửa thị trường dịch vụ bảo hiểm trong Hiệp định CPTPP, việc đưa ra quy định các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để quản lý và thực thi theo cam kết tại Hiệp định CPTPP là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trình bày.
Tờ trình khẳng định, qua khảo sát kinh nghiệm và pháp luật một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và trong khu vực (như Anh, Ấn Độ, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Thái Lan, Úc...) cho thấy, hầu hết đều có quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đồng thời tạo cơ sở để cơ quan quản lý bảo hiểm có đủ thẩm quyền, công cụ quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động phụ trợ bảo hiểm.
Luật Sở hữu trí tuệ bảo đảm tính thống nhất với CPTPP
Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Luật phải được sửa đổi để thực hiện một số nghĩa vụ về Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định CPTPP. Trong đó, một số nghĩa vụ phải thực hiện ngay từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực và một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp từ 3 đến 5 năm.
Cụ thể, có 2 nội dung liên quan tới nhãn hiệu, 1 nghĩa vụ liên quan đến tên miền, 3 nghĩa vụ liên quan đến chỉ dẫn địa lý, 1 nghĩa vụ liên quan đến sáng chế và 5 nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào vấn về sáng chế, với việc sửa đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian ân hạn là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ). Về chỉ dẫn địa lý, sửa đổi khoản 1 Điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hoá tại Việt Nam, theo đó bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam. Bổ sung vào Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP. Đối với 4 nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp 3-5 năm (bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo đảm thông tin và thời gian cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trước khi sản phẩm được đưa ra thị trường, bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, thẩm quyền mặc nhiên tiến hành các thủ tục biên giới của cơ quan hải quan), các nghĩa vụ này sẽ bắt đầu phải thi hành từ năm 2022, dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021 (Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trong quý IV năm 2019. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021).
“Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ cho tương thích với các quy định trong Hiệp định CPTPP là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật Việt Nam và thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
"Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật để sửa đổi, bổ sung hai luật trên; thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và việc áp dụng hình thức “một luật sửa nhiều luật”. Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, vì các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP liên quan đến bảo hiểm và sở hữu trí tuệ. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 7) theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề nghị của Chính phủ".
Nguồn: Bộ Công Thương