Chiều ngày 10/5/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã tham dự và cùng Thủ tướng Nepal Khát-ga Xác-ma Ôli đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nepal tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Nepal được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Nepal (NCC) tổ chức nhân dịp Thủ tướng Nepal Khát-ga Xác-ma Ôli có chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK 2019) từ ngày 09-12/5/2019. Diễn đàn có sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ, ngành Nepal, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại Nepal, cùng đông đảo doanh nghiệp hai nước.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trải qua hơn 4 thập kỷ từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (1975), quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nepal không ngừng được củng cố và phát triển. Hai Bên đã dành cho nhau sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế đa phương như Liên hợp quốc, WTO.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc Nepal tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam lần này nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Về thương mại, mặc dù con số tuyệt đối kim ngạch thương mại hai chiều còn nhỏ, đạt 26,7 triệu USD năm 2018 (Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nepal đạt 26,4 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nepal đạt 0,3 triệu USD), nhưng thực tế còn nhiều cơ hội và dư địa lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn có thể bổ sung, tương hỗ cho nhau.
Về đầu tư, hiện nay hợp tác đầu tư giữa hai nước còn hạn chế, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng phát triển đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp (như may mặc, thiết bị điện, chế biến nông sản, thực phẩm; năng lượng; thủy điện); viễn thông; và đặc biệt là hợp tác trong ngành công nghiệp du lịch.
Đồng quan điểm với phát biểu trước đó của Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng hai nước chia sẻ những giá trị chung về văn hóa, tâm linh Phật giáo, triết lý kinh doanh và đây là những nền tảng rất tốt cho hợp tác giữa hai nước.
Liên quan đến các khung khổ pháp lý cho các hoạt động liên kết kinh tế, hội nhập kinh tế song phương và đa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao và hoan nghênh đề nghị của phía Nepal về việc hai nước đàm phán và ký một Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư song phương, đồng thời thông báo Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Thương mại và Cung ứng Nepal sẽ ký Ý định thư về việc đàm phán và ký kết Hiệp định khung nêu trên ngay sau Hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nepal Khát-ga Xác-ma Ôli. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn gia tăng, việc hai Bên hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như tổ chức các hoạt động XTTM, kết nối doanh nghiệp như diễn đàn ngày hôm nay có ý nghĩa to lớn giúp hai nền kinh tế Việt Nam – Nepal xích lại gần nhau hơn và khắc phục tốt hơn những bất lợi, khó khăn trong môi trường thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía Nepal, Thủ tướng Nepal Khát-ga Xác-ma Ôli đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam, những thành tựu trong cải cách, phát triển năng động và bền vững của nền kinh tế Việt Nam là nguồn cảm hứng cho Nepal tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế của nước này để phát triển và thịnh vượng hơn nữa. Thủ tướng Nepal cũng cho biết Nepal đang tiến hành chính sách đầu tư theo hướng cởi mở hơn nhằm tạo lập môi trường pháp lý thân thiện, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và kêu gọi các nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm, tìm hiểu và đầu tư vào Nepal.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nepal năm 2018 đạt 26,7 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nepal đạt 21,4 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nepal đạt 0,3 triệu USD. Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gồm: điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nông sản. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu từ Nepal gồm: hương liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
|
Nguồn: Bộ Công Thương