Tại Hội nghị này, thành phố Cần Thơ sẽ giới thiệu các mục tiêu trọng tâm và công bố danh mục 54 dự án kêu gọi đầu tư trên tổng diện tích 4.780 ha với nguồn vốn gần 124.000 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; văn hóa, thể thao và du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch... Bên cạnh đó, tham vấn kinh nghiệm phát triển thành phố Cần Thơ theo hướng phát triển trung tâm dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao và phát triển khoa học công nghệ.
Theo chương trình Hội nghị, ngoài phiên khai mạc, bế mạc còn có 3 phiên thảo luận với chủ đề: Phát triển trung tâm dịch vụ; Nông nghiệp hiệu quả cao; Phát triển khoa học công nghệ. Tại mỗi phiên thảo luận, các Bộ trưởng phụ trách sẽ chủ trì, cùng lắng nghe các tham luận của các đại diện một số cơ quan, tổ chức hiệp hội, đại diện cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ.
Tại phiên thảo luận về phát triển dịch vụ logistics tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phiên thảo luận này cũng là dịp để chúng ta kịp thời phối hợp triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông, nối tiếp việc thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Đặc biệt, cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố bộ chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) năm 2018, theo đó Việt Nam được xếp hạng thứ 39, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ hai thế giới ASEAN (sau Singapore và Thái Lan). Đây là một thông tin hết sức phấn khởi, ghi nhận những cố gắng của các cơ quan từ Chính phủ, hiệp hội cho đến các doanh nghiệp để cải thiện và nâng cao hiệu quả của lĩnh vực logistics tại Việt Nam.
Nền kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong khi giảm tỷ trọng khu vực nông lâm thủy sản và ổn định tỷ trọng của khu vực công nghiệp và xây dựng. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp và gia tăng đáng kể của ngành dịch vụ logistics.
Tại Diễn dàn Logistics Việt Nam lần thứ 5 do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức ngày 15 tháng 12 năm 2017 tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho biết cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 15-16%. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30-35%.
Nhìn chung, sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước; đồng thời, các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính cũng được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Cần Thơ với vị trí là trung tâm của Đồng bằng Sông Cửu Long, cần đóng vai trò quan trọng và đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, không chỉ để phục vụ thành phố mà còn đáp ứng nhu cầu của cả khu vực. Về phía Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2047/QĐ-UBND ngày 08 tháng 8 năm 2017 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm cập nhật hệ thống cảng, bến cảng thuộc hệ thống cảng biển và hệ thống cảng thủy nội địa phù hợp với các quy hoạch, đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa trong giai đoạn đến năm 2020 và đến năm 2030. Ngày 02 tháng 02 năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tiếp tục ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong phiên thảo luận Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã đưa ra một số nội dung để các đại biểu cùng tham gia thảo luận như:
Thứ nhất, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong sự phát triển chung của cả nước. Trên cơ sở đó, chúng ta cùng nhau thảo luận đề xuất, đề ra những biện pháp phối hợp giải quyết nhằm tạo thuận lợi hóa cho lưu thông hàng hóa giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với các nước trong khu vực và thế giới.
Thứ hai, chúng ta cần tăng cường phối hợp thu hút đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo hướng phát triển đồng bộ, bền vững. Tập trung xây dựng một cảng quốc tế đủ tầm cỡ đối với khu vực để đón tàu lớn, có thể khai thác các tuyến đường xa, giảm bớt tỷ lệ hàng phải đưa lên trung chuyển ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu.
Đặc biệt, cần sớm tiến hành xây dựng một cảng Cái Cui thống nhất để tận dụng tốt lợi thế địa lý, phát huy sức mạnh tập trung mới có thể nhanh chóng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thành phố và khu vực.
Thứ ba, hoàn thành tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ để nâng cao tốc độ và lưu lượng vận chuyển hàng hóa giữa ĐBSCL với các vùng khác của đất nước, trước hết là Đông Nam Bộ.
Thứ tư, nghiên cứu việc mở rộng đường bay của Sân bay quốc tế Cần Thơ tăng lượng vận chuyển hàng hóa, mở rộng dịch vụ logistics hàng không nhằm phát triển dịch vụ logistics đa dạng, phù hợp với xu hướng chung hiện nay. Xây dựng trung tâm logistics hàng không với tầm nhìn dài hạn để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa với tốc độ nhanh, độ tin cậy cao.
Thứ năm, tạo cơ chế thông thoáng để mở rộng dịch vụ trung chuyển hàng hóa qua Cần Thơ sang Campuchia và ngược lại.
Thứ sáu, các Bộ, ngành, địa phương cần chung tay với Cần Thơ hoàn thiện Quy hoạch Trung tâm Logistics hạng II tại thành phố Cần Thơ với tổng diện tích 242,2 ha tại địa điểm Cái Cui, quận Cái Răng để Cần Thơ mời gọi đầu tư hình thành và phát triển trung tâm logistics gắn với hoạt động xuất nhập khẩu của cảng Cái Cui, phục vụ cho hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa kết nối với các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ bảy, trên cơ sở Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nên xem xét xây dựng quy hoạch hay kế hoạch phát triển logistics chung của cả vùng ĐBSCL thay vì kế hoạch cho từng địa phương riêng lẻ.
Thứ tám, tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp chủ hàng tại Cần Thơ với các doanh nghiệp dịch vụ logistics để khai thác tối đa cơ sở hạ tầng đã có.
Thứ chín, đề xuất các giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ để sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư TP Cần Thơ năm 2018, lãnh đạo thành phố sẽ trao kỷ niệm chương cho doanh nghiệp đã đầu tư; chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư; ký kết ghi nhớ, hợp tác đầu tư giữa UBND thành phố Cần Thơ và các tổ chức, hiệp hội, nhà đầu tư và doanh nghiệp về đầu tư, phát triển thương mại, du lịch; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu và uy tín của địa phương và khởi công, khánh thành một số dự án trọng điểm trên địa bàn.
Ngoài ra, Hội nghị còn có các hoạt động bên lề như tổ chức đưa nhà đầu tư đi tham quan thực địa một số dự án tiêu biểu: Dự án Trung tâm logistics hạng II và Công ty Tân Cảng Cái Cui, Trung tâm giống và Viện Lúa ĐBSCL, Khu nông nghiệp công nghệ cao 3, huyện Cờ Đỏ, Khu công nghệ thông tin tập trung…
Nguồn: Bộ Công Thương