Theo đánh giá của các chuyên gia, sau 30 năm cải cách kinh tế, trong đó có mở cửa thu hút FDI đã và đang là động lực chính cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngoại trừ thời gian ngắn gián đoạn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 2007 - 2009, dòng vốn FDI vào Việt Nam luôn gia tăng theo từng năm. Đặc biệt, giai đoạn 2014 - 2017, thu hút FDI tăng trưởng rất nhanh. Cụ thể, năm 2014, vốn đăng ký mới đạt 21,9 tỷ USD thì đến năm 2017, đã tăng lên 31,1 tỷ USD. Tương tự, số vốn thực hiện năm 2014 là 12,5 tỷ USD thì đến hết năm 2017 đã đạt 17,5 tỷ USD và tính đến tháng 6/2018, lũy kế tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 331,2 tỷ USD; vốn giải ngân lũy kế đạt tới 180,7 tỷ USD.
Đánh giá về tác động của chính sách thu hút FDI và nguồn vốn FDI tới kinh tế - xã hội của Việt Nam, ông Nguyễn Nội - Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, nguồn vốn quan trọng này đã giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, từ đó giúp tăng nguồn thu ngân sách và cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập như các dự án FDI sử dụng công nghệ cao còn ít, đặc biệt, rất hiếm dự án thu hút được công nghệ nguồn; các dự án FDI chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên, thị trường bất động sản, gia công lắp ráp sử dụng nhiều lao động, tiêu tốn năng lượng…
Từ những phân tích, đánh giá trên, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi từ tư duy, chính sách… đến triển khai thực hiện thu hút FDI phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 theo hướng nhanh, xanh và bền vững. Đặc biệt theo các chuyên gia, trước xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Khuyến nghị cụ thể, ông Wim Douw - Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân thuộc IFC - đưa ra 8 lĩnh vực ưu tiên đột phá trong cải cách chính sách đầu tư và thu hút đầu tư đối với Việt Nam. Theo đó, để nhanh chóng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cho người lao động trong nước đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nhà nước cần xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, bắt đầu từ việc điều tra toàn diện tình hình nguồn cung lao động ở từng ngành nghề làm số liệu đầu vào khi xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng cơ quan chuyên trách, tách biệt hoàn toàn giữa chức năng quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư. Song song đó, cần hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh phù hợp với xu thế cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; xây dựng chính sách xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; mở cửa các lĩnh vực chính để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI.
"Ông Wim Douw- Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân thuộc IFC: Việt Nam cần có chính sách để tăng cường liên kết thượng nguồn với các dự án FDI nhằm hình thành mạng lưới các nhà cung cấp nội địa cho các dự án FDI để nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng giá trị trong nước và "giữ chân" các nhà đầu tư nước ngoài."
Nguồn: Báo Công thương