Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2020

Hiện nay, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đầu tư tích lũy kể đến tháng 10 năm 2020 đạt gần 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với 8.934 dự án. Trong 10 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, với 3,42 tỷ USD, đứng sau Singapore với 7,51 tỷ USD (vì có một dự án điện khí 4 tỷ USD nên năm 2020 Singapore vượt lên). Tuy nhiên, trong năm nay nếu xét về số lượng dự án mới, thì Hàn Quốc vẫn đứng ngôi vị quán quân, với 528 dự án. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đứng đầu về số lượt góp vốn, mua cổ phần, với 1.626 lượt trong 10 tháng qua.
 
Bên cạnh số lượng vốn, Hàn Quốc ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam do dòng vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, bất động sản đến tài chính ngân hàng, start-up đến cổ phần hóa DNNN, logistics đến dịch vụ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu… phát triển, tạo việc làm cho trên 700,000 lao động ở nhiều địa phương. Cùng với hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019 và ước đạt trên 65,1 tỷ USD năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19.

Các giai đoạn của dòng vốn Hàn Quốc gồm: giai đoạn đầu gắn với các dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Giai đoạn tiếp theo sẽ có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp. Các công ty Hàn Quốc hiện đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam, ví dụ: SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV… Cho đến nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỉ USD.
 

Ảnh minh họa
 
Sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính trước mắt nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cho chính các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Đây đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp. Vì vậy, tài chính - ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới với bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khi tỉ trọng đóng góp của các doanh nghiệp này vượt trên 30% quy mô nền kinh tế. Ngoài ra các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) nếu Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới do: nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, các bộ, ngành, địa phương đều quan tâm xúc tiến thu hút đầu tư... Đặc biệt, Việt Nam đã và đang thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu  u (EVFTA) bước vào giai đoạn thực thi, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua. Các hiệp định này bao trùm khoảng 60 nền kinh tế, là các đối tác thương mại chủ chốt chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt nam nói chung và cơ hội tạo sự bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác