Cơ hội lớn cho đồ gỗ Việt Nam giữa hai làn Hiệp định EVFTA và CPTPP

Sẽ có cơ hội lớn cho đồ gỗ Việt Nam là nhận đinh chung được đưa ra tại Hội thảo của ngành gỗ với chủ đề: "Cơ hội từ thương mại Mỹ - Trung giữa hai làn hiệp định EVFTA và CPTPP và sự hình thành Trung tâm Đồ nội thất thế giới tại Việt Nam".

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Lãnh sự Mỹ... và khoảng 300 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ, do Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 07/12/2018.


Hai hiệp định, một lợi thế

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: Xung đột thương mại Mỹ - Trung tuy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ nhưng đó mới chỉ là một phần trong những biến chuyển của kinh tế - thương mại trong thời gian tới. Bởi, nếu cả hai hiệp định EVFTA và CPTPP đồng thời được đưa vào thực thi trong năm 2019, sẽ có tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam.

co hoi lon cho do go viet nam giua hai lan hiep dinh evfta va cptpp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khách chia sẻ về tác động của CPTPP và EVFTA                                                  đối với ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam

Cụ thể, sản phẩm gỗ “Made in Viet Nam” sẽ được tiếp cận thị trường EU, một trong những thị trường chủ chốt và các thị trường mới như Canada, Mexico với mức thuế ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh. Với chất lượng đã được khẳng định, mức thuế ưu đãi này sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam có được nhiều đơn hàng hơn.

“Đặc biệt, nếu ngành gỗ quyết tâm nói không với gỗ bất hợp pháp, thực hiện nghiêm túc Hiệp định FLEGT vừa ký với EU, đồng hành cùng người tiêu dùng trong chiến dịch bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững, cơ hội thị trường sẽ còn lớn hơn nữa” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.

Bên cạnh thu hút đầu tư, EVFTA/ CPTPP cũng sẽ giúp các DN sản xuất thay đổi định hướng cơ cấu thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Bởi, EVFTA/ CPTPP sẽ mở đường cho sản phẩm Việt Nam hiện diện sâu vào những thị trường tham gia hiệp định như Canada, Australia, New Zeland, Nhật Bản, Singapore, Mexico, Chile...

co hoi lon cho do go viet nam giua hai lan hiep dinh evfta va cptpp
Hội thảo thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều bộ, ngành và DN ngành gỗ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - nhận xét, nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Với làn sóng đầu tư công nghệ, thiết bị tự động hóa, trang bị quy trình quản lý bằng công nghệ thông tin kết hợp đầu tư cho công tác thiết kế, thương hiệu, đào tạo quản trị... thời gian qua, lợi thế cạnh tranh của DN chế biến gỗ đã được cải thiện rõ rệt, Việt Nam sẽ nỗ lực trong 7-8 năm nữa trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ nội thất, chỉ sau Trung Quốc.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng, ngành gỗ Trung Quốc vốn không còn được chính phủ chủ trương ưu ái phát triển, lại vướng những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ, quốc gia đứng đầu xuất khẩu sản phẩm gỗ thế giới đang chuyển dần lợi thế sang Việt Nam. Thứ trưởng cũng cảnh báo về vấn đề "rửa" xuất xứ hàng hóa để các DN nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của Việt Nam.

Ông Tim Liston - Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam - cho biết, với tình hình leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại đều rất tốt. "Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, DN Việt Nam nói chung và DN chế biến gỗ nói riêng chắn chắn sẽ có nhiều lợi thế bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực. Mỹ đang mở rộng cửa cho DN Việt Nam vào thị trường" -ông Tim Liston nhận định.

Định hướng mang tên World Furniture Center (WFC)

Tham dự chương trình, hầu hết các DN trong ngành đều rất quan tâm đến những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh hiện tại cũng như tương lai sắp đến. Cụ thể là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như EVFTA/ CPTPP. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA, với ngành gỗ, sẽ là câu chuyện thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước đến Việt Nam. “Nhiều cơ hội về thị trường đầu tư tài chính, thương mại, thiết kế, nguyên liệu, thiết bị, marketing,… được đồng hành, hội tụ về Việt Nam. Những lực đẩy từ nhu cầu thế giới sẽ sớm đòi hỏi ngành chế biến gỗ Việt Nam phải phát triển hơn nữa để đáp ứng nhu cầu mới của thế giới” - ông Nguyễn Quốc Khanh nói.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA: Hiện kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã đạt trên 9 tỷ USD. Dự kiến năm 2018 kim ngạch sẽ đạt 9.5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 16%.

Thực tế, các DN ngành gỗ ở Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lớn nhưng chưa đầu tư mạnh vào thương mại. Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai nêu rõ, nếu tổng giá trị trong chuỗi sản xuất đồ gỗ trên thế giới là khoảng 140 tỷ USD thì giá trị hàng hóa tiêu dùng của người sử dụng hơn 450 tỷ USD, bao gồm giá trị của thương mại, thiết kế, phân phối, thương hiệu. Ông Phạm Phú Ngọc Trai tư vấn: "Nếu chúng ta định hướng lại câu chuyện của ngành chế biến gỗ theo con số 450 tỷ USD, tham gia cả khâu thiết kế, thương hiệu, thương mại, phân phối... thì rõ ràng, giá trị mà Việt Nam nhận được so với hiện tại sẽ là rất lớn".

Hướng đến mốc phát triển trên, ông Phạm Phú Ngọc Trai - cho rằng, Việt Nam nên tận dụng các lợi thế hội tụ hiện nay để sớm hình thành một Trung tâm đồ nội thất thế giới (World Furniture Center - WFC) tại đây. Định hướng này sẽ là tầm nhìn mang tính quốc gia cho ngành gỗ. Sự hình thành trung tâm sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho các DN trong ngành, giúp các DN khai thác giá trị gia tăng tốt hơn, bền vững hơn và vị thế kinh tế của Việt Nam cũng được khẳng định trên thương trường thế giới. Ngoài ra, ngành gỗ cũng là một mô hình tiên phong cùng sánh bước các ngành khác bước ra thị trường thế giới.

Nguồn: Báo Công Thương 



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác