Đó là chủ đề của Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 10 được Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức sáng ngày 11/10, tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo này được tổ chức tại Việt Nam.
Khoảng 500-600 đại biểu bao gồm đại diện ngành hàng từ các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, các công ty lớn về xuất khẩu, nhập khẩu gạo và các chuyên gia quốc tế về sản xuất, thương mại gạo tham gia Hội nghị. Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam… và hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tham gia hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đến dự và có bài phát biểu khai mạc hội nghị Nâng tầm hình ảnh gạo Việt
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định hội nghị là cơ hội giới hiệu hình ảnh gạo Việt với bạn bè quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hội nghị Gạo lần thứ 10 và Hội nghị quốc tế mặt hàng gạo Việt Nam là sự kiện quan trọng, là cơ hội để Việt Nam được giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh của gạo Việt, sản phẩm của gạo Việt ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng nhờ định hướng sản xuất theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh xuất khẩu hiện đại, học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu từ các chuyên gia hàng đầu.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến 15/9/2018, Việt Nam đã xuất khẩu gạo đạt 4,73 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị 2,38 tỷ USD, tăng 24,8%. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. 8 tháng đầu năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,01% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Hội nghị thu hút 500 - 600 đại biểu ngành lúa gạo
Về công tác phát triển thị trường xuất khẩu cho mặt hàng gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, việc này đã được Việt Nam xác định rõ mục tiêu, phương hướng cụ thể tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2010, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2017. Theo đó, định hướng đặt ra với 4 mục tiêu cụ thể sau: Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo để định hướng công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước; Phát triển thị trường xuất khẩu gạo gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu; Phát triển thị trường gạo xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian qua, cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo Việt. Việc Bộ Công Thương cùng Tạp chí The Rice Trader tổ chức Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 cũng là một trong những giải pháp tổng thể để xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh gạo Việt. “Chúng tôi mong muốn thông qua Hội nghị này thu nhận được các chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý tưởng, ý kiến đối với định hướng sản xuất, xuất khẩu và xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam chủ động gặp gỡ, tìm hiểu các đối tác, đồng thời, tiếp cận công nghệ mới để có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Đối với các doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế, Bộ trưởng hi vọng, sẽ cùng nhau trao đổi về cơ chế, chính sách, xu hướng ở một số thị trường xuất khẩu, nhập khẩu trọng điểm. Tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, những tác động bên trong, bên cho thương mại gạo. Đồng thời mong muốn lắng nghe những chi sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những kiến nghị về cơ chế, chính sách để thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất, thân thiện với môi trường trong sản xuất, thương mại gạo.
Ông Jeremy Zwinger khẳng định hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia thảo luận về mặt hàng gạo
Ông Jeremy Zwinger - Chủ tịch kiêm Tổng điều hành Tạp chí The Rice Trader khẳng định, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã đặt biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển ngành sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam, mang lại nhiều bước tiến tích cực. Hội nghị Gạo thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam sẽ là diễn đàn, cơ hội để đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia cùng thảo luận về mặt hàng gạo - mặt hàng quan trọng nhất với cuộc sống.
Chính phủ quan tâm đặc biệt đến ngành gạo Việt Nam
Đến dự và có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới với lượng xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng 5-6 triệu tấn gạo. Thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 43-44 triệu tấn, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% về sản lượng.
Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà quản lý thăm quan gian hàng gạo
Sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển. Sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất là gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, gạo nếp. Chất lượng gạo Việt Nam đã đạt đủ các tiêu chí để thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Theo đó, bên cạnh việc tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đạt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam. “Việc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất gạo, đối với hợp tác quốc tế trong khu vực và toàn cần về sản xuất, thương mại gạo” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sản xuất lúa gạo và thương mại gạo khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Tình hình chính trị - xã hội khu vực và thế giới nhiều diễn biến bất lợi, một số dịch bệnh mới xuất hiện có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, khả năng cung cấp lương thực và hoạt động thương mại gạo. Tuy nhiên, khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất ra các sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Với thông điệp của Hội nghị là “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, chúng ta sẽ cùng thảo luận các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của thương mại gạo cầu, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển gạo bền vững, trong quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu gạo và ứng dụng cách mạnh công nghiệp 4.0 trong ngành lúa gạo. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế sẽ góp cho hướng đi, hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo Việt Nam”.