Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường toàn cầu
VIETRADE - Chương trình được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tận dụng các cơ hội do hội nhập kinh tế mang lại.
Chương trình "Hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường toàn cầu" do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tổ chức.
Khẳng định tại khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh “Không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong gia đình, cuộc sống, trong công việc cũng như sự phát triển của toàn xã hội, đặc biệt là nữ doanh nhân. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 25% doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, có đóng góp to lớn trong tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động”.
Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, bất cứ doanh nghiệp, nhà đầu tư nào cũng có thêm những cơ hội hoặc phải đối diện với những cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi cần có sự thay đổi để thích nghi, tồn tại và phát triển.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực đẩy mạnh công tác bình đẳng giới trên toàn xã hội, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh tại thị trường nội địa cũng như khu vực và thế giới.
Thứ trưởng mong muốn, tại Diễn đàn, các nữ doanh nhân sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong điều hành thực tế tại doanh nghiệp, những rào cản mà doanh nghiệp đang đối mặt trong hoạt động phát triển thị trường, từ đó đề xuất những chính sách nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp nữ làm chủ dễ dàng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Úc tại Việt Nam Craig Chittick Oam cũng chia sẻ trong nhiều diễn đàn đã ghi nhận sự đóng góp tích cực của phụ nữ trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế. Nghiên cứu cho thấy, nếu trao quyền cho phụ nữ, nền kinh tế có thể tăng thêm 28.000 tỷ đô la/năm nếu phụ nữ được tham gia vào các công việc như nam giới (tương đương với mức tăng 26% GDP). Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường thế giới sẽ tập trung vào các biện pháp tăng cường hoạt động trong Apec, nắm bắt được những rào cản, những chính sách cần giải quyết để phụ nữ có thể tự tin làm chủ trong tiếp cận thị trường toàn cầu.
"Làm thế nào để chúng ta thực hiện kinh doanh hoặc phụ nữ kinh doanh như thế nào?" là câu hỏi đầu tiên mà bà Mia Urbano, Chuyên gia phát triển xã hội và Giới DFAT đưa ra tại Diễn đàn. Trước khi trả lời câu hỏi này, bà Mia đưa ra những thực tế đang ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của phụ nữ hiện nay, thứ nhất, bà Mia cho rằng, khi nhìn vào tài sản của phụ nữ, tỷ lệ phần trăm của phụ nữ có tài khoản tiết kiệm tài chính cho mình có sự khác biệt giữa các nền kinh tế khác nhau và tăng dần mỗi năm; Thứ hai, chỉ có 36% phụ nữ có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hơn nữa, trong quá trình xúc tiến thương mại, phụ nữ gặp nhiều khó khăn về tiếp cận khoản vay, thanh toán...; Ngoài ra, thời gian phụ nữ phải chăm sóc gia đình cũng được đưa ra tranh luận rất nhiều, Australia 311 phút; Việt Nam 132 phút; Hàn Quốc 227 phút. Đây là những công việc không được trả lương và có thể ảnh hưởng đến năng suất khi phụ nữ tham gia vào thị trường kinh doanh.
Còn theo bà Bà Virginia B Foote, Chủ tịch kiêm Tổng Giám dốc Tập đoàn Chiến lược Toàn cầu Bay, các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ đang ngày càng gia tăng, vì vậy cần tập trung và những chính sách hiện có để phát triển thay vì khai thác những chính sách mới. Nên tập trụng kết nối mạng lưới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp hỗ trợ nhau. Bà Virgimia đánh giá cao việc tham gia tích cực của doanh nhân nữ Việt Nam trong quá trình làm chủ. Tuy nhiên, bà cho rằng, để tiếp cận và tham gia vào thị trường thế giới, cần nắm rõ các tiêu chuẩn, vấn đề, nguyên tắc về thương mại một cách hài hòa hóa giữa các quốc gia. Bản thân phụ nữ cần nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia. Việt Nam đã có cơ hội trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán... nhưng đang sử dụng tiền mặt nhiều. Một nền kinh tế dựa quá nhiều vào tiền mặt sẽ có những bất lợi trong quá trình hội nhập toàn cầu. Cần nỗ lực hơn nữa trong tạo điều kiện tiếp cận, thanh toán qua ngân hàng thay vì dùng tiền mặt.
Bà Ngô Hồng Diệp - Phó giám đốc Quốc gia tại Việt Nam, Sáng kiến kinh doanh Mekong - đưa ra một loạt phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp nữ. "Năm 2016, khi Chính phủ đưa ra Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi đã kiến nghị cần có định nghĩa “doanh nghiệp do nữ làm chủ”. Trước kia đã có đề cập tới cụm từ này trong một số văn bản pháp lý, tuy nhiên chưa có định nghĩa cụ thể nên chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả” - bà Diệp cho hay.
Để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bà Diệp cho rằng, cần có những biện pháp tháo gỡ những rào cản trên. Các chương trình nên quy định 25% doanh nghiệp nữ được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần mở cửa để phụ nữ tiếp cận. Bà Susila Devi Kumaran - nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển thương mại quốc tế Malaysia - cho rằng, ở Malaysia, các thiết chế tài chính cần cạnh tranh với nhau để tiếp cận khách hàng là nữ doanh nhân. Việt Nam đã tham gia tích cực vào nền kinh tế toàn cầu. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ ngày càng gia tăng, tuy nhiên cần tập trung vào những chính sách đã hiệu quả.
Để thành công tại thị trường quốc tế, một số ý kiến đưa ra cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam nên bắt đầu phát triển từ thị trường nội địa, dựa vào những sự kiện xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước để giới thiệu sản phẩm, tiềm năng của doanh nghiệp cho các đối tác nước ngoài thay vì bỏ ra chi phí để xúc tiến sang một thị trường mà chưa biết được hiệu quả ra sao. Ngoài ra, sử dụng internet để xúc tiến thương mại là một phương tiện rất hiệu quả mà các doanh nghiệp đã và đang sử dụng.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để hỗ trợ doanh nhân nữ tiếp cận thị trường nước ngoài trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi những ngăn cách về không gian kinh tế; hàng hóa, dịch vụ ngày càng thu hẹp thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào cũng đều có cơ hội và phải đối diện với cạnh tranh gay gắt trong việc tận dụng và phát huy ưu thế của hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế . Điều này đồi hỏi các doanh nghiệp, trong đó có đó doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cần thay đổi và thích nghi để tồn tại và phát triển. “Về phía Bộ Công Thương Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh công tác đàm phán, mở cửa cho thị trường hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trong việc phát triển kinh doanh, thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.