Xuất khẩu năm 2019 tiếp tục thiết lập “mốc son mới” với 263,45 tỉ USD, vượt xa mức kỉ lục của năm 2018 (244,72 tỉ USD). Nhờ đó, xuất siêu cũng xác lập dấu mốc mới với 9,9 tỉ USD, vượt xa con số 7,2 tỉ USD của năm 2018. Kết quả này càng đặc biệt ý nghĩa khi xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành và vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2019 của Quốc hội. Đáng chú ý, trong năm qua có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 63,4%). Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 51,8 tỉ USD, chiếm 19,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,3%so với năm trước. Tiếp đến, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 35,6 tỉ USD,tăng 20,4%; hàng dệt may đạt 32,6 tỉ USD, tăng 6,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,3 tỉ USD, tăng 11,9%; giày dép đạt 18,3 tỉ USD, tăng 12,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỉ USD, tăng 18,2%.
Đối với mặt hàng nông sản, thủy sản do giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng giảm so với năm trước nên kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản năm 2019 đều giảm. Cụ thể thủy sản đạt 8,6 tỉ USD, giảm 2,4%; rau quả đạt 3,8 tỉ USD, giảm 1,1%; hạt điều đạt 3,3 tỉ USD, giảm 2,6% (lượng tăng 21,5%); cà phê đạt 2,8 tỉ USD, giảm 21,2% (lượng giảm 13,9%);gạo đạt 2,8 tỉ USD, giảm 9,9% (lượng tăng 2,5%); hạt tiêu đạt 722 triệu USD, giảm 4,9% (lượng tăng 23,4%). Riêng cao su đạt 2,3 tỉ USD, tăng 10% (lượng tăng 8,9%); chè đạt 236 triệu USD, tăng 8,8% (lượng tăng 8,1%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 60,7 tỉ USD, tăng 27,8%; tiếp đến là EU đạt 41,7 tỉ USD, giảm 0,7%; Trung Quốc đạt 41,5 tỉ USD, tăng 0,2%;ASEAN đạt 25,3 tỉ USD, tăng 1,9%; Nhật Bản đạt 20,3 tỉ USD, tăng 7,7%; Hàn Quốc đạt 19,8 tỉ USD, tăng 8,3%.
Từ chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm qua đạt 253,51 tỉ USD, tăng 7% so với năm 2018. Đáng chú ý, trong năm qua có tới 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD, chiếm 45,8%). Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 75,3 tỉ USD, tăng 14,9%; tiếp đến là thị trường Hàn Quốc đạt 47,3 tỉ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 32,1 tỉ USD, tăng 0,8%; Nhật Bản đạt 19,6 tỉ USD, tăng 3%; thị trường EU đạt 14,8 tỉ USD, tăng 6,4%; Hoa Kỳ đạt 14,3 tỉ USD, tăng 12,3%.
Nhiều năm trở lại đây, xuất khẩu luôn là điểm sáng nổi bật của bức tranh kinh tế. Đặc biệt, trong hai năm liên tiếp 2018 và 2019, xuất khẩu của Việt Nam đã có sự “bứt phá ngoạn mục”, được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh mẽ. Về quy mô, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới. Đóng góp vào những kết quả chung của nền kinh tế, có nguyên nhân từ chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Qua đó đã tạo lập, mở rộng không gian thị trường quốc tế rộng lớn cho doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam phát triển. Kết quả này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang sụt giảm do tác động của các xung đột thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới. Kết quả này cũng đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm 2019, với hơn 9,9 tỉ USD.
Nhìn lại quá trình hội nhập và phát triển, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các khung khổ hợp tác khu vực và đa phương khác. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh tại các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản,Hoa Kỳ, Úc… Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên của CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canada đạt 3,86 tỉ USD, tăng 28,2%; Mexico đạt 2,84 tỉ USD, tăng26,8%…).