Theo số liệu từ UBND tỉnh Bình Phước, 7 tháng đầu năm toàn tỉnh thu hút được 11 dự án, với số vốn gần 97 triệu USD, đạt 24,22% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 416 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ 332 triệu USD.
Hiện nay Bình Phước ưu tiên phát triển khu công nghiệp quy mô nhỏ có diện tích dưới 500 ha và quy mô vừa diện tích từ 500 ha đến dưới 1.000 ha; không phát triển các khu công nghiệp quá lớn với diện tích trên 1.000 ha. Định hướng đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại, tỉnh tăng cường kêu gọi, kết nối đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Hạ tầng giao thông của tỉnh đang được Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo về việc tăng cường kết nối liên vùng, địa phương; phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng. Trong đó có các dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 14, kết nối Vùng Tây Nguyên và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh đang phấn đấu năm 2024 giải quyết việc làm cho 43.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 67%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì dưới 3%. Về lâu dài, sẽ tăng các mục tiêu về chất lượng lao động trên địa bàn lên cao hơn nữa.
Bình Phước nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp Bình Dương, Đồng Nai là các tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh; là cửa ngõ kết nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, quỹ đất dồi dào, chính sách thu hút đầu tư linh hoạt là lợi thế để địa phương này thu hút nhà đầu tư rót vốn.