Để hiệp định mậu dịch tự do này được ký kết là một nỗ lực rất lớn của các nước thành viên, bởi nước đóng vai trò đầu tàu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, tiền thân của CPTPP) là Mỹ đã không tham gia ngay sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản đã đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực xây dựng và đi đến thống nhất ký kết hiệp định thương mại tự do khu vực này.
Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ vẫn được chào đón tham gia CPTPP, nếu Tổng thống Donald Trump hoặc người kế nhiệm ông có thiện chí quay trở lại với thỏa thuận mậu dịch tự do này.
Cũng theo các nhà phân tích, CPTPP không chỉ là một khu vực mậu dịch tự do hùng hậu, mà còn là một thỏa thuận an ninh quan trọng, khi khu vực này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn.
“Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất trong số các nước thành viên CPTPP và Tokyo rất muốn hiệp định này sớm được ký kết. CPTPP có ý nghĩa biểu tượng về địa chính trị, bởi nó nó có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế”, ông Jeff Kingston, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple cho biết.
Cũng theo ông Jeff Kingston, các nước tham gia ký kết CPTPP rất muốn Mỹ tham gia hiệp định này, đặc biệt khi vấn đề an ninh ở khu vực này đang có nhiều lo ngại. Tuy nhiên, điều này trở nên xa vời khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có xu hướng đi ngược lại thương mại tự do quốc tế khi ông dự định đánh thuế đối với thép và các sản phẩm khác nhập khẩu vào Mỹ. Do vậy, khả năng để Mỹ tham gia CPTPP hiện nay được đánh giá là quá thấp, mặc dù mới đây, ông Donald Trump cho biết, nước Mỹ có thể tái tham gia khối thương mại này nếu các điều kiện được chỉnh sửa theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
CPTPP ưu việt hơn TPP?
Trong tương lai gần, với những gì mà các nước đã thống nhất, CPTPP được xem là có lợi hơn so với nội dung thỏa thuận TPP có sự tham gia của Mỹ. Cụ thể, CPTPP loại bỏ một số điều khoản của TPP, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà xem ra có lợi cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ, song lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khu vực.
Ngoài ra, theo nội dung của thỏa thuận mới, 11 nước thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) sẽ có quyền phủ quyết đối với việc kết nạp thành viên mới. Như vậy, các nước lớn hơn như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không dễ gia nhập nhóm này mặc dù có thể đáp ứng đầy đủ tiêu chí thành viên.
Hiệp định CPTPP còn bao hàm thêm các vấn đề như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility), quyền trong nước (indigenous rights), tri thức truyền thống (traditional knowledge)…
Đánh giá chung về CPTPP, ông Jun Okumura, nhà phân tích chính trị tại Meiji Institute for Global Affairs (Nhật Bản) nhận định, CPTPP sẽ cải thiện đáng kể hoạt động thương mại của các nước thành viên. Tuy nhiên, trước khi “hái trái ngọt”, các nước còn phải khắc phục không ít trở ngại trong quá trình phê chuẩn ở mỗi nước.
Nguồn: Việt Nga - Báo đầu tư