Gia Lai tạo bước đột phá từ ba trụ cột chiến lược, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên

Trong hành trình phát triển sau 50 năm giải phóng và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Gia Lai đang vươn lên mạnh mẽ, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những địa phương phát triển khá của khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tỉnh xác định ba trụ cột chiến lược gồm: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, và thương mại - du lịch là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Gia Lai vươn mình trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực Tây Nguyên

Nền tảng chuyển mình rõ nét

Gia Lai ghi dấu ấn phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,36%/năm trong giai đoạn gần đây. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng, dự kiến tăng lên 75,69 triệu đồng vào năm 2025. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 6.330 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước và cao hơn 27,34% so với năm 2020. Kết quả này cho thấy sự ổn định trong điều hành kinh tế và nỗ lực thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, tỉnh cũng chú trọng đến phát triển văn hóa - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo sự chuyển biến đồng đều về mọi mặt.

Hạ tầng – Đòn bẩy kết nối vùng

Một trong những yếu tố tạo sức bật mới cho Gia Lai là hạ tầng giao thông. Tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống đường bộ, đảm bảo kết nối liên hoàn từ trung tâm tỉnh đến các xã, thôn, làng và các địa phương lân cận. Đặc biệt, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư, được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Gia Lai đến cảng biển Bình Định xuống chỉ còn 1,5 giờ.

Cao tốc không chỉ giải quyết nhu cầu vận tải ngày càng tăng mà còn mở rộng không gian liên kết vùng, thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – logistics giữa Tây Nguyên và khu kinh tế biển miền Trung. Dự án này cũng đóng vai trò chiến lược trong việc kết nối hành lang vận tải Đông – Tây, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Phát triển có chọn lọc, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư

Xác định rõ định hướng phát triển trong giai đoạn mới, lãnh đạo tỉnh Gia Lai nhấn mạnh đến vai trò của đầu tư công như lực kéo đầu tàu. Mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo bước ngoặt phát triển, thay vì dàn trải nguồn lực.

Cùng với đó, Gia Lai tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực thế mạnh, đặc biệt là chế biến sâu nông sản chủ lực như cao su, cà phê, hồ tiêu; phát triển mạnh các nhà máy năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời; và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh thúc đẩy kết nối thị trường tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, triển khai chính sách khuyến khích tiêu dùng hàng Việt và sản phẩm địa phương.

Tận dụng thời cơ, bứt phá vững chắc

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái. Ông nhấn mạnh yêu cầu phát triển Gia Lai thành tỉnh có nền kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ bền vững, đa dạng sinh thái và giàu bản sắc văn hóa.

Theo ông Đinh Hữu Hòa – Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư kỹ càng, ưu tiên doanh nghiệp có năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động và có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Công tác xúc tiến đầu tư cũng được chú trọng, nhằm kêu gọi các tập đoàn lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

Gia Lai đang từng bước khẳng định vị thế mới trên bản đồ kinh tế khu vực, bằng chiến lược phát triển rõ ràng, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có và đẩy mạnh liên kết vùng. Với nền tảng đã được xác lập, tỉnh có đầy đủ cơ sở để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác