Tỉnh Đắk Nông được thành lập từ ngày 01/01/2004 theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk.
Từ khi thành lập tỉnh đến nay, Đắk Nông đã thu hút 396 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 74.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 7.261 tỷ đồng; vốn đầu tư trong nước là 384 dự án với tổng vốn đầu tư là 66.739 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như công nghiệp và điện năng (125 dự án, chiếm 31,5% tổng số dự án đầu tư, tập trung vào các dự án nhà máy sản xuất, nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió); nông - lâm nghiệp (117 dự án, chiếm 29,5% tổng số dự án đầu tư); hạ tầng, đô thị (45 dự án, chiếm 11,4% tổng số dự án đầu tư)...
Tổng số vốn đầu tư vào Đắk Nông cải thiện mạnh mẽ, đến từ những nỗ lực không ngừng trong việc cải mạnh mẽ thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Thay vì dàn trải, tỉnh Đắk Nông đã chuyển công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh đầu tư luôn được chỉ đạo quyết liệt, nhiều thủ tục đã được đơn giản và áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết, nên thời gian xử lý thủ tục đã được rút ngắn đáng kể. Tỉnh Đắk Nông đã cắt giảm thời gian giải quyết đối với 77 thủ tục. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh Đắk Nông cũng tăng 8 bậc so với năm 2020…
Lãnh đạo tỉnh đã xác định công nghiệp bô xít - alumin - nhôm sẽ là trụ cột tương lai của nền kinh tế Đắk Nông, bởi Đắk Nông có trữ lượng bô xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai. Nhiều tập đoàn lớn đã đến Đắk Nông để khảo sát, nghiên cứu đầu tư, như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn đầu tư Việt Phương, Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Từ đó, tiến tới xin chủ trương đầu tư, khai thác các mỏ bô xít, xây dựng 3 tổ hợp nhà máy chế biến alumin, điện phân nhôm, công nghiệp sau nhôm tại các khu vực mỏ bô xít. Bên cạnh trữ lượng khoáng sản, Đắk Nông cũng rất giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Những lĩnh vực nổi trội này chắc chắn sẽ tạo bệ phóng phát triển cho Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông cũng đang thực hiện tiến trình đầu tư Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, khu logistics để đón đầu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau nhôm, đồng thời, thúc đẩy quá trình cường hóa Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên 800.000 tấn alumin/năm và mở rộng quy mô công suất của Tổ hợp lên 2 triệu tấn alumin/năm.
Vì là tỉnh trẻ nên Đắk Nông vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là việc chưa có quy hoạch tổng thể chung, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, có ý định đầu tư, nhưng mất nhiều thời gian để hoàn thành các quy hoạch có liên quan, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết vấn đề trên và nhằm kêu gọi đầu tư vào tỉnh, Tỉnh uỷ Đắk Nông đã ban hành Chương trình số 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao PCI giai đoạn 2021-2025, với 3 khâu đột phá. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư theo hướng thuận lợi cho nhà đầu tư; xây dựng danh mục các dự án đầu tư trọng điểm và chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực...
Cùng với đó, Đắk Nông cũng tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư xây dựng, mở rộng hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối các điểm du lịch và hạ tầng trung tâm đô thị. Đắk Nông đang dồn sức thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ngoài ra, với tinh thần “Lắng nghe - thấu hiểu - đồng hành và cùng khát vọng phát triển”, chính quyền Đắk Nông sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp