Các khu công nghiệp với làn sóng đầu tư từ Trung Quốc

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và khiến các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới kế hoạch mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Việt Nam… Thời gian qua, Việt Nam nổi lên là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư với khả năng không chế dịch bệnh tốt và các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất lớn cho Apple đã xuất hiện tại Việt Nam như Foxcon,GoerTek, Pegatron... với những khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Đặc biệt, thương vụ đầu tư vào khu công nghiệp có giá trị lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2020 tại khu vực phía Bắc chính là 2 dự án tại KCN Đồng Văn 3 tỉnh Hà Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 333 triệu USD của Wistron Corporation, một trong những đối tác sản xuất lớn của Apple đến từ Đài Loan

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài với nhiều yếu tố hấp dẫn như lực lượng lao động trẻ và có tính cơ động cao hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, chi phí lao động thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi - tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam. TS. Sử Văn Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết việc chuyển một phần cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc được coi như một phương pháp các công ty đa quốc gia bảo hiểm rủi ro.

Theo thống kê từ Sách trắng Bất động sản công nghiệp 2020 của Savills Việt Nam,trong tổng số 20 giao dịch tiêu biểu ở vùng kinh tế phía Bắc và phía Nam tính đến hết quý III, ghi nhận chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, HongKong, Đài Loan và Singapore. Trong đó, 8 dự án của các nhà đầu tư HongKong với tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD. Các dự án này phân bố ở các KCN thuộc nhiều tỉnh thành như Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương. Đặc biệt, dự án của Texhong Knitting tại KCN Hải Hà (QuảngNinh) có vốn đầu tư lên đến 214 triệu USD và dự án của Jinyu Tire tạiKCN Phước Đông (Tây Ninh) có mức đầu tư 300 triệu USD.

Bốn dự án do nhà đầu tư Trung Quốc phát triển với tổng giá trị 300 triệu USD. Dòng vốn đầu tư này tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú(Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó dự án của Universal Scientific Technology tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng) có tổng vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD.

Các chuyên gia nhận định, dưới bối cảnh hạn chế đi lại, thị trường bất động sản KCN trong 9 tháng đầu năm có nhiều xu hướng nổi bật như: các công ty tại Việt Nam có nhu cầu mở rộng hoặc di dời địa điểm sản xuất; xuất hiện nhiều giao dịch M&A lớn cũng như các tài sản phát mại, cơ sở vật chất để bán và thuê lại. Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà kho, xưởng xây sẵn cũng tăng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong việc ký kết các hợp đồng dài hạn hoặc phụ thuộc vào các hợp đồng ngắn hạn với khác hàng.

Trong năm 2021, khả năng dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, các nhà đầu tư đánh giá mô hình Trung Quốc + 1 sẽ ngày càng được các nhà sản xuất hướng đến, dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Các tập đoàn lớn cũng đang tìm cách nhằm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm trong bối cảnh bất ổn.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác