Năm 2019, Cà Mau thu hút được 27 dự án đầu tư mới với mức vốn đăng ký gần 24.000 tỷ đồng. Tuy số lượng dự án giảm, nhưng mức vốn đăng ký tăng gấp hơn 4 lần so với năm trước. Trong đó, tỉnh thu hút được nhiều dự án có mức vốn đầu tư lớn, phần lớn tập trung vào các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, chế biến nông, lâm và thủy sản, công nghiệp vận tải, du lịch và các dự án thương mại ở khu dân cư. Đặc biệt, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời...) đã thu hút được khoảng 40 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến Cà Mau tiềm kiếm cơ hội đầu tư khai thác. Cà Mau có 8 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng công suất 550MW, dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2021-2025; về phát triển năng lượng mặt trời trên mái nhà đã có 135 khách hàng đầu tư lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời, với tổng công suất trên 1.540 kWp.Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và thực hiện các thủ tục đầu tư. Tỉnh cũng tích cực vận dụng có hiệu quả chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư theo quy định chung thống nhất của cả nước. Ngoài ra, Cà Mau quan tâm hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế, tiếp cận thông tin về thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất.
Năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư ở 5 lĩnh vực lớn có tiềm năng, thế mạnh. Đó là nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thương mại và giao thông vận tải. Theo đó, Cà Mau tập trung kêu gọi đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau với quy mô trên 1.050 ha, vùng nuôi tôm sinh thái có quy mô 10.530 ha. Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà mày chế biến thủy, lâm sản quy mô 3,6 ha, khu dịch vụ hậu cần nghề cà và xưởng đóng tàu cá tại huyện Ngọc Hiển quy mô 19,23 ha; khai thác du lịch biển đảo khu vực huyện Ngọc Hiển, phát triển mạng lưới du lịch sinh thái ở huyện U Minh, du lịch di tích Bác Ba Phi khu vực huyện Trần Văn Thời; đầu tư xây dựng các khu thương mại - dịch vụ ở thành phố Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh và huyện Ngọc Hiển.
Riêng về lĩnh vực giao thông vận tải, Cà Mau đang mời gọi đầu tư trực tiếp cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (tàu có tải trọng 250.000 DWT), đầu tư nâng cấp và mở rộng cụm cảng hàng không Cà Mau... để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần từng bước cải thiện dần thứ hạng Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu nằm trong nhóm 8 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và tiếp cận đất đai, thông tin quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án được phê duyệt của địa phương. UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, các nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như một số chương trình hỗ trợ khác nhằm mục đích nâng cao năng lực và cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, địa phương còn chú trọng nâng cao tính minh bạch trong môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất; đồng thời đẩy mạnh triển khai các chính sách để phát triển kinh tế tập thể theo hướng bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư./.
Nguồn: Bnews.vn