Khu kinh tế Định An được Thủ tướng Chính phủ thành lập với định hướng phát triển có tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp gắn với phát triển kinh tế biển bền vững, là cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng và được xác định là 01 trong 08 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được Chính phủ lựa chọn tập trung đầu tư.
Đ/c Nguyễn Quỳnh Thiện – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế phát biểu
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm lãnh chỉ đạo sâu sát và kịp thời của lãnh đạo tỉnh (Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh), sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và sự hưởng ứng của nhân dân đã tạo điều kiện cho Khu kinh tế Định An từng bước hình thành và phát triển tạo được một diện mạo mới của một Khu kinh tế ven biển:
- Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải được hình thành, dự án Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu cơ bản hoàn thành đi vào hoạt động, hệ thống đường giao thông trục chính Khu kinh tế được xây dựng và đưa vào lưu thông, như tuyến đường số 01, số 02 và cầu C16, chuẩn bị thi công tuyến đường số 05, đã cơ bản kết nối giao thông của Khu kinh tế với các Tỉnh lộ, Quốc lộ,…tạo điều kiện để thu hút đầu tư phát triển.
- Tính đến nay, Khu kinh tế Định An đã thu hút được trên 50 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 155.000 tỷ đồng (tương đương 6,7 tỷ USD), trong đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2,7 tỷ USD với các lĩnh vực như: Cảng biển, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời, kho xăng dầu, siêu thị, nhà máy chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng (như gạch tuynen, gạch không nung), du lịch sinh thái biển,…giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách của tỉnh và có tăng trưởng ổn định hàng năm.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào Khu kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được nhiều dự án lớn, quan trọng, suất đầu tư còn thấp và hầu hết các nhà đầu tư trong nước còn nhỏ lẽ, số lượng nhà đầu tư nước ngoài còn ít, thiếu đầu tư những ngành nghề tạo thế mạnh tác động vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đóng góp của Khu kinh tế còn khiêm tốn, chưa thể hiện vai trò động lực phát triển như mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu sau:
- Hạ tầng Khu kinh tế chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hạ tầng giao thông của tỉnh chưa thuận lợi.
- Khu kinh tế có diện tích đa phần là đất của người dân, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
- Công tác lập quy hoạch các phân khu chức năng trong Khu kinh tế triển khai còn chậm và chưa thể hiện rõ định hướng phát triển của Khu kinh tế.
- Công tác xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế còn dàn trãi, chưa được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả chưa cao.
- Cơ chế, chính sách ưu đãi áp dụng cho phát triển Khu kinh tế chưa có tính đột phá nhằm kích thích thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, quan trọng trong và ngoài nước.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Định An trở thành Khu kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh và khu vực như mục tiêu, định hướng và quy hoạch. Ban Quản lý Khu kinh tế xin nêu một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Một, đề xuất chủ trương điều chỉnh, bổ sung, ban hành một số cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá gắn với đặc thù của tỉnh (như mạnh dạn xin cơ chế giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng thí điểm 01 khu chức năng của KKT từ NS để tạo động lực thu hút đầu tư, cơ chế cấp quyền khai thác vật liệu san lắp cho các dự án lớn để giảm chi phí đầu tư,…).
- Hai, chủ động trong việc huy động tổng hợp các nguồn vốn (như FDI, mô hình đối tác công tư – PPP , kể cả cách thức đổi đất lấy hạ tầng,…không chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương) để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, nhằm thông thương tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển Khu kinh tế (như tuyến đường số 3, 4, 6, tuyến đường dọc kênh đào, đề xuát lập dự án xây cầu hoặc hầm chui qua kênh đào kết nối 04 xã đảo huyện Duyên Hải thuộc địa bàn Khu kinh tế,…).
- Ba, tiếp tục định hướng, quy hoạch phát triển Khu kinh tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển liên kết vùng bảo đảm phát triển bền vững; sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian của Khu kinh tế, hướng tới kêu gọi đầu tư hình thành các khu chức năng nòng cốt (như Khu Đô thị - Dịch vụ – Công nghiệp, khu phi thuế quan, khu dịch vụ logistic, cảng nước sâu, đề xuất xây dựng bến tàu từ khu kinh tế đi Côn Đảo,…).
- Bốn, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hiện đã cấp phép (như Cảng Tổng hợp Định An, các dự án điện gió,…).
- Năm, xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư có định hướng lâu dài, có trọng tâm, nội dung thống nhất và cụ thể; xác định các dự án động lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế (như kêu gọi đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong Khu kinh tế, dự án chế biến thủy sản, đóng tàu,...)
- Sáu, có chính sách thu hút lao động đến làm việc tại Khu kinh tế, bảo đảm cuộc sống ổn định, lâu dài. (như về nhà ở, việc làm, an sinh xã hội, …).
- Bảy, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục đầu tư vào Khu kinh tế, cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và thân thiện.