Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã có những bước phát triển khá mạnh cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh có 9.313 doanh nghiệp, vốn điều lệ đăng ký là 111.600,7 tỷ đồng. Trong số 9.313 doanh nghiệp có 9.066 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 97,35%, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế trong quản trị và điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính yếu, số lượng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể còn nhiều; đối với hộ kinh doanh còn hạn chế nhiều mặt: quy mô, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, thị trường,…
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố trong việc phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV; nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Tăng cường công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp,... góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có một cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ đối tượng DNNVV, khu vực doanh nghiệp này hiện còn nhiều hạn chế trong năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; yếu trong năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, kiến thức pháp lý do đó hiệu quả kinh doanh chưa cao, phương án sản xuất kinh doanh chưa được chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh; yếu về nguồn lực và tiếp cận nguồn vốn; hạn chế trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ; thiếu thông tin hội nhập, thụ động về các nguyên tắc, cam kết quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư đặc biệt là các cam kết song phương, đa phương chưa được hỗ trợ để khắc phục.
Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với khu vực DNNVV của tỉnh trong thời gian tới cần thiết phải xây dựng một chính sách và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từng bước phát triển bền vững qua đó đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với những lý do trên, việc xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 là cần thiết. Ngày 12/8/2020, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1875/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025, với tổng kinh phí dự kiến để thực hiện hỗ trợ DNNVV, giai đoạn 2021-2025 là 98.820 triệu đồng. Bao gồm: Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Bình quân hàng năm có từ 100 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp; phấn đấu đến năm năm 2025, có 100 DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; tỷ trọng doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 5%; số lao động được giải quyết việc làm trên 140.000 lao động; vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 89%/ tổng vốn đầu tư toàn xã hội (năm 2019 chiếm khoảng 75%); xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo tỉnh mang tầm khu vực và quốc gia; hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị chủ yếu: chế biến nông-thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp-dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi lĩnh vực có ít nhất từ 1 - 2 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khoảng 200 doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia hướng đến sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp tham gia cùng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản phẩm công nghệ cao.
Đối tượng hỗ trợ: doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật về Doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí xác định DNNVV theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ; DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Nội dung hỗ trợ DNNVV:
Hỗ trợ chung: hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho DNNVV; Hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện hồ sơ thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh: hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp; hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu; hỗ trợ lệ phí môn bài; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ tiền sử dụng đất.
Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa; hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ cho nhà đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.
Theo đó đề án cũng quy định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao./.