Tình hình thu hút vốn FDI 10 tháng đầu năm 2022

Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư đăng ký mới tiếp tục giảm song đã được cải thiện so với tháng trước với 1.570 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 14,2% so với cùng kỳ), tương đương tổng số vốn đăng ký gần 9,93 tỷ USD (giảm 23,7% so với cùng kỳ, tăng 19,3 điểm phần trăm so với 9 tháng). Trong khi đó, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tiếp tục xu hướng tăng. Có 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD (tăng 23,3% so với cùng kỳ) và có 2.997 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 2,2% so với cùng kỳ) với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỷ USD (tăng 4,5% so với cùng kỳ).

Về đầu tư vào các ngành hàng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,9 tỷ USD, chiếm 57,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Về đầu tư vào các địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,42 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,85 tỷ USD, chiếm 12,7% tổng vốn, tăng 40% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,19 tỷ USD, chiếm 9,7% tổng vốn và tăng gần 89% so với cùng kỳ năm 2021.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác