Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Cục Công nghiệp chiều ngày 06/8/2019. Cùng tham gia buổi làm việc còn có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Lãnh đạo Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hóa chất, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi...
Trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện qua các mặt như: Tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước; Trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao; Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp năng lượng, chế biến chế tạo, xây dựng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, công nghiệp khai khoáng giảm dần; Hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, tỷ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và trung bình ngày càng tăng; Góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân.
Mặc dù vậy, quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam còn nhiều vấn đề bởi giá trị của ngành công nghiệp trong nước tạo ra vẫn còn thấp. Có thể chỉ ra ba thực tế liên quan đến vấn đề này: (i) Hiệu quả sản xuất của Việt Nam xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn; (ii) Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị vẫn là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước; và (iii) Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, việc phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát các định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có 6 nội dung trọng tâm:
Một là, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp.
Hai là, tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh.
Ba là, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá.
Bốn là, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược tổng thể phát triển công nghiệp, giữa chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác để hình thành các vùng công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, các mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp, trong đó cụm liên kết ngành công nghiệp là trọng tâm.
Năm là, bảo vệ và mở rộng thị trường trong nước, khai thác tối đa thị trường xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết cho các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.
Sáu là, đối tượng hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam cần đặt trọng tâm vào thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn tiềm năng và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá, Cục Công nghiệp phụ trách lĩnh vực rất rộng, đóng vai trò nòng cốt trong sự phát triển kinh tế đất nước. Những gì Cục đã làm được trong thời gian qua cũng như 06 tháng đầu năm 2019 rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, cần phải nỗ lực hơn nữa, làm được nhiều việc hơn nữa. Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Công nghiệp cần nghiên cứu và áp dụng 4.0 trong các hoạt động chung. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đồng tình với ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ trong việc cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp Việt Nam. Theo Thứ trưởng, nhiều đơn vị thuộc Bộ cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu, nhưng cách làm chưa đồng bộ, tương thích. Thứ trưởng cho rằng, nếu các đơn vị thuộc Bộ thống nhất được cách xây dựng thì hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ rất có ích trong việc xây dựng và hoạch định chính sách.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã tạo ra sự khởi sắc cho ngành công nghiệp ô tô, lần đầu tiên có thương hiệu ô tô Việt. Không chỉ vậy, Nghị định còn tạo dung lượng thị trường tốt, tập trung cho doanh nghiệp làm khối lượng lớn, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, lĩnh vực ô tô điện, xe máy điện là một xu hướng tất yếu trong tương lai. Vì vậy, nếu Cục Công nghiệp có sự nghiên cứu, chuẩn bị tốt để xây dựng chính sách cho lĩnh vực này thì sẽ rất phù hợp với xu hướng phát triển.
Thứ trưởng thông tin thêm, trung tuần tháng 9/2019, dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị về ngành cơ khí Việt Nam. Thứ trưởng yêu cầu, Cục Công nghiệp với kinh nghiệm trong việc tổ chức Hội nghị về công nghiệp hỗ trợ sẽ phát huy và có sự chuẩn bị chu đáo để tổ chức thành công hội nghị về ngành cơ khí.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc kết nối với Samsung Việt Nam đào tạo khoảng 200 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Công nghiệp tiếp tục bám sát chương trình, phối hợp chặt chẽ với Samsung để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận tại buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần bám sát các định hướng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nội dung trọng tâm cụ thể là kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp tiếp tục làm việc, bàn hướng giải quyết trên cơ sở đề xuất doanh nghiệp để tạo ra dư địa phát triển ngành này, tạo đà phát triển cho công nghiệp ô tô trong nước. Theo Bộ trưởng, cần tiếp tục nghiên cứu những tồn tại tại Nghị định 116 theo hướng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng đồng thời phù hợp trong quá trình hội nhập.
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp phải rà soát, nghiên cứu cụ thể đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, công nghiệp ô tô…, nắm bắt tổng thể để thực hiện phát triển ngành công nghiệp trọng điểm trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Công nghiệp phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xúc tiến thương mại... xây dựng chính sách mới đối với công nghiệp ưu tiên để thu hút đầu tư đối với các dự án quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ.
Về vấn đề nhân sự, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ làm việc với Cục Công nghiệp để xác định nhu cầu về chỉ tiêu, biên chế cụ thể. Do Cục Công nghiệp có những đặc thù riêng, lĩnh vực phụ trách rất rộng, khối lượng công việc rất lớn, Bộ trưởng khẳng định sẽ được tạo điều kiện về mặt nhân lực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. "Nếu đơn vị nào có cán bộ làm việc không hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng rút biên chế để dành chỉ tiêu cho đơn vị khác có nhu cầu thực sự" - Bộ trưởng khẳng định.
Nguồn: Bộ Công Thương