Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Hợp tác về Kinh tế và Kỹ thuật giữa Việt Nam và Ô-man

Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp Hợp tác về Kinh tế và Kỹ thuật giữa Việt Nam và Ô-man được tổ chức tại Hà Nội trong các ngày từ 22 đến 23 tháng 3 năm 2018.

Đoàn Việt Nam do Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam làm Trưởng đoàn, bao gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động Thương binh và Xã hội, Thông tin truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện một số cơ quan liên quan.

Đoàn Ô-man do Ông Ali bin Masoud Al Sunaidy, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man, Chủ tịch Phân ban Ô-man làm Trưởng đoàn, bao gồm đại diện các Bộ, ngành của Ô-man: Thương mại và Công nghiệp, Nông nghiệp và Thủy sản, Giao thông và Thông tin, Văn phòng Phó Thủ tướng về các vấn đề nội các, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ô-man, Quỹ dự trữ quốc gia, Cơ quan Quản lý nhà nước về Kho dự trữ và Thực phẩm. Cùng tham dự Kỳ họp về phía Ô-man còn có Ngài Sultan Saif Hilal Al Mahruqi, Đại sứ Vương quốc Ô-man tại Việt Nam.

Tại Phiên toàn thể diễn ra trong buổi sáng ngày 23/3/2018, hai Bộ trưởng-Trưởng đoàn đã thông báo một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước trong thời gian qua, tiến hành đánh giá, kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác kể từ Kỳ họp lần thứ 2 đến nay và đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới.

Theo đó, hai Bên thống nhất một số biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, cụ thể là:

- Thúc đẩy đàm phán để sớm ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ để tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa hai nước;

- Tăng cường hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau, đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư và công nghiệp.

- Tăng cường hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ô-man nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi các đoàn, tích cực đi khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, , tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện thương mại và đầu tư được tổ chức ở mỗi nước.

- Tích cực trao đổi thông tin giữa các cơ quan đối tác, các hiệp hội liên quan để thường xuyên cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước về chính sách thương mại, quy định xuất nhập khẩu, nhu cầu thị trường, cơ hội giao thương và dự án kêu gọi đầu tư… tại mỗi nước.

- Nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trong một số lĩnh vực như dầu khí, tài chính, ngân hàng, lao động, nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch.

Kết thúc Kỳ họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man đã cùng nhau ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật giữa hai nước.

Nhân dịp sang tham dự Kỳ họp lần thứ 3, Ngài Ali bin Masoud Al Sunaidy, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man đã đến chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và có các buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Trước đó, bên lề Kỳ họp, ngày 22/3/2018, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ô-man. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man có sự tham dự của 12 doanh nghiệp Ô-man hoạt động trong các lĩnh vực như: Điện & Điện tử, Thiết bị điện gia dụng, Cơ khí, Thang máy, Xây dựng, Bất động sản, Khách sạn và Du lịch, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Chế biến Thủy hải sản, Đóng tàu, Thiết bị Hàng hải, Dầu khí, Vận tải, Lao động, Khai khoáng, Dịch vụ Tài chính, Đầu tư, Dệt may… và hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam có quan tâm đến quan tâm, hợp tác với thị trường Ô-man. Diễn đàn là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp của hai nước tiếp xúc trực tiếp, trao đổi thông tin, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, tìm kiếm đối tác, xây dựng quan hệ hợp tác đầu tư-kinh doanh với nhau. Ngoài tham dự Diễn đàn doanh nghiệp đoàn doanh nghiệp Ô-man đã đi thăm Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore tại Bắc Ninh và tiến hành một số hoạt động khảo sát thị trường để tìm hiểu các cơ hội, quy định đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng nhân dịp tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ô-man đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai cơ quan.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 116,7 triệu USD tăng 122,2% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ô-man đạt 40,9 triệu USD tăng 74%, và nhập khẩu đạt 75,8 triệu USD tăng 161 %. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ô-man gồm: điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, linh kiện ô tô và một số loại nông sản như: cà phê, hàng hải sản, rau quả, hạt tiêu. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Ô-man chủ yếu là kim loại thường, quặng và khoáng sản, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu… Cho đến nay, Ô-man có 05 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 340 triệu USD.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác