Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu – EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tại tỉnh Tiền Giang nói riêng, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Với thách thức đó, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, trong đó có diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025 là rất nặng nề. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức và tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang đề ra Kế hoạch Đầu tư và phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025như sau:
1. Thuận lợi
Với lợi thế có nhiều nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông sản và có nhiều điều kiện thuận lợi (nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) trong hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ, thu hút đầu tư với vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh nên kinh tế, xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, tạo nền tảng tốt, thế và lực được nâng cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021-2025.
2. Khó khăn, thách thức
Tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực tiếp tục tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn trong khu vực sẽ tác động trực tiếp đến nước ta, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra nhiều vấn đề mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều cơ hội cho phát triển, nhưng những hệ lụy mang lại sẽ không nhỏ, đó là vấn đề thay đổi công nghệ; vấn đề việc làm nhất là lao động giản đơn, trình độ tay nghề thấp; khả năng cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp,....
Kinh tế, xã hội của tỉnh tuy có chuyển biến tích cực, theo hướng tăng dần tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nhưng nông nghiệp vẫn là chủ đạo nên tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh do hội nhập, năng lực cạnh tranh còn thấp; nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn; vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường; sự chống phá của các thế lực thù địch,... sẽ là yếu tố gây tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh thời gian tới.
3. Các kết quả đạt được Giai đoạn 2016-2020:
+ Tình hình đầu tư phát triển các KCN, CCN:
Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.083,47 ha, trong đó có 04 KCN đã được cấp quyết định thành lập và đi vào hoạt động với diện tích 1.101,47 ha chiếm 52,86% diện tích quy hoạch KCN.
Đến nay các KCN Tiền Giang đã thu hút đước 107 dự án (trong đó có 76 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 2.301.438.083 USD (tương đương 48.682,06 tỷ đồng) và 4.780,56 tỷ đồng, diện tích thuê 540,36 ha/766,67 ha chiếm tỷ lệ 70,48% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê, giải quyết việc làm cho khoảng 83.000 lao động.
Tiền Giang có 09 CCN được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 05 Cụm công nghiệp đã kêu gọi được nhà đầu tư, Tổng diện tích đất của 09 Cụm công nghiệp là 344,11 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp để kêu gọi đầu tư là 256,27 ha, đã cho thuê 88,48 ha/256,11 ha đạt tỷ lệ 34,53% tổng điện tích đất công nghiệp. Tổng vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng đăng ký là 1.766,61 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại đã thu hút được 79 dự án thứ cấp (trong đó có 06 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.626,64 tỷ đồng, thu hút 16.418 lao động.
- Doanh thu các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đạt 83.261,83 tỷ đồng, tăng 125,22% so với cùng kỳ, đạt 107,38% so với kế hoạch.
- Xuất khẩu đạt 11,59 tỷ USD, tăng 198,94% so với cùng kỳ, đạt 135,90% so với kế hoạch.
- Nhập khẩu đạt 6,63 tỷ USD, tăng 176,18% so với cùng kỳ, đạt 179,40% so với kế hoạch.
- Thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 14.462,69 tỷ đồng (trong đó thuế Doanh nghiệp FDI 586,72 triệu USD, Doanh nghiệp trong nước 1.618,83 tỷ đồng) chiếm tỷ lệ trung bình 62% số thu thuế các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
- Xuất khẩu tăng mạnh, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,… kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này các mặc hàng xuất khẩu mạnh như: may mặc, giày da, túi xách, thủy sản, ống đồng và một số doanh nghiệp mở rộng nhà máy sản xuất và doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.
- Nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành may túi xách, hàng may mặc, nguyên vật liệu thủy sản, nguyên liệu đồng và một số doanh nghiệp mở rộng nhà máy sản xuất và doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cần nhập khẩu thiết bị để lắp vào nhà máy (tài sản cố định của doanh nghiệp).
Nhìn chung sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng khá nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần, đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất công nghiệp chịu tác động năng nề.
Trong 6 tháng đầu năm 2020 tình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khu, cụm công nghiệp chưa đạt kế hoạch đề ra; Xuất khẩu giảm khoảng 14,10% so với cùng kỳ, Nhập khẩu giảm khoảng 10,03% so với cùng kỳ; Thuế và các khoản nộp ngân sách của các doanh nghiệp giảm khoảng 10,03% so với cùng kỳ; giảm do ảnh hưởng của các nước trên thế giới đang phòng, chống dịch Covid-19 gây ra.
4. Kế hoạch Đầu tư và phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025:
- Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 các Khu công nghiệp Tiền Giang thu hút đầu tư khoảng 57 dự án đầu tư, đầu tư trong các KCN là 32 dự án, đầu tư trong các Cụm công nghiệp khoảng 25 dự án) với tổng vốn đầu tư dự kiến là 510 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoản (tăng thêm khoảng 25.000 lao động so với năm 2020).
- Dự kiến giai đoạn 2021-2025, Khu công nghiệp Long Giang lắp đầy 100% diện tích; thành lập Khu công nghiệp Dịch Vụ Dầu khí Soài Rạp lắp đầy 80% diện tích cho thuê, kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2 và KCN Bình Đông để thu hút đầu tư. Đến cuối năm 2025, Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp sẽ lắp đầy 80% diện tích, Khu công nghiệp Tân Phước 1 lắp đầy khoảng 30% diện tích cho thuê, KCN Bình Đông lắp đầy khoảng 40%; Khu công nghiệp Tân Phước 2 hoàn thành hồ sơ thành lập Khu công nghiệp và có thể thu hút đầu tư.
- Thành lập 08 Cụm công nghiệp mới như sau : Cụm công nghiệp Mỹ Lợi 50 ha, Cụm công nghiệp Chợ Gạo 36 ha, Cụm công nghiệp Long Bình 20 ha, Cụm công nghiệp Tân Bình 50 ha, Cụm công nghiệp Tân Lý Đông 50 ha, Cụm công nghiệp Mỹ Hội 56 ha, Cụm công nghiệp Tân Hội 50 ha. Cụm công nghiệp Phú Cường diện tích 50 ha, Cụm công nghiệp Hậu Thành diện tích 25 ha. Cụm công nghiệp Phú Đông diện tích 15 ha.
- Hoàn thiện các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, một đầu mối” tại Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang nhằm phục vụ cho nhà đầu tư từ lúc nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ môi trường, cấp Giấy phép xây dựng khởi công công trình và đi vào hoạt động.
- Các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nhằm đạt 100% các doanh nghiệp không bị xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020.
- Các doanh nghiệp trong các KCN, CCN đến năm 2025 phải hoàn thành việc lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động đối với trường hợp xả nước thải vào nguồn tiếp nhận có lưu lượng trên 500m3/ngày.
- Tập trung nhu hút các doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với lợi thế của địa phương, ưu tiên lựa chọn những dự án có hiệu quả kinh tế, tránh những dự án ô nhiễm môi trường và công nghệ lạc hậu.
- Thường xuyên cũng cố tổ chức bộ máy Ban quản lý các khu công nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và chuẩn hoá đội ngủ cán bộ công chức đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
Với tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao, Ban quản lý các khu công nghiệp có thêm động lực để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh thúc đẩy tăng trưởng, tăng GDP, tạo nhiều công ăn việc làm. Đây là đích đến cuối cùng của chiến lược phát triển KT-XH 05 năm 2021-2025 của Ban Quản lý các KCN Tiền Giang./.