Giải pháp chủ yếu phát triển công nghiệp – đầu tư xây dựng năm 2020 của tỉnh An Giang

1. Công nghiệp 
Cơ cấu lại ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó, tập trung hỗ trợ vào những ngành công nghiệp nền tảng, có lợi thế cạnh tranh và có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng nhanh, bền vững của tỉnh; lựa chọn sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chủ lực để ưu tiên hỗ trợ phát triển.
Tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương tỉnh An Giang đến năm 2020; Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, năng cao giá trị sản xuất, đổi mới mô hình quản lý để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tạo điều kiện cho các dự án đầu tư, nhất là các dự án có quy mô lớn đi vào hoạt động để tăng nhanh sản lượng công nghiệp góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp và tạo đà tăng trưởng cho năm tiếp theo.
Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước ngành công thương; Phát triển nguồn nhân lực ngành công thương phục vụ yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh công tác  thông  tin truyền thông, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, nâng lực của cơ sở, doanh nghiệp ngành công thương về công nghiệp 4.0; Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp ngành công thương tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025. Tăng cường mời gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ưu tiên các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động địa phương; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây  dựng hoàn chỉnh các công trình khu, cụm công nghiệp gắn với lợi thế vùng kinh tế trọng điểm. 
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh:  Ứng dụng máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất;  Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; Chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi  trường hoặc nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong cụm công nghiệp.
Triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh An  Giang từ đến năm 2025, bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp trong áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất về quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu  của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ trong nghiên  cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên, vật liệu và công bố thông tin về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp. Triển khai thực hiện đề án thuộc chương trình “mỗi xã một sản phẩm” hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông  thôn đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và cấp quốc gia theo lộ trình.
Triển khai thực hiện Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020 (EU tài trợ) và các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 nhằm đầu tư phát triển hệ thống lưới điện để đưa điện lưới quốc gia đến các vùng nông thôn sâu, vùng xa. Phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực miền Nam để đảm bảo sản lượng điện cung cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
2. Đầu tư xây dựng
Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, quy định của Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014, số 13/CT-TTg ngày 24/5/2018   của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư  tại  Công văn số 1100/BKHĐT-TH ngày 27/02/2015 và số 4028/BKHĐT-TH ngày 14/6/2018. Dựa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch đầu tư công hằng năm phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của Tỉnh; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh; đảm bảo các dự án thực hiện đạt chất lượng, đúng tiến độ và đạt hiệu quả đầu tư đặt ra. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát các công trình xây dựng nhằm phát huy dân chủ và bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong đầu tư.
 
Chủ động khai thác mọi nguồn lực trong Tỉnh để phục vụ cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Tiếp cận, tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài) để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của Tỉnh.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác