Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện có 4.300 dự án của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là 59 tỷ USD. Riêng vùng ĐBsCL có gần 200 dự án, với vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ UsD, chiếm 10,5% tổng vốn FDI toàn vùng.
Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang hoạt động tại ĐBCL đánh giá: Vùng có đất đai rộng lớn, thích hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản và nhiều thị trường khác. Đặc biệt, môi trường kinh doanh ngày một cải thiện theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Chẳng hạn ở Cần Thơ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Nhật Bản, địa phương đã xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản với diện tích 42,9 ha (giai đoạn 1 thực hiện 30 ha).
Theo đó, rất nhiều DN Nhật Bản đã liên tục đổ vốn vào khu vực này. Gần đây nhất, phát kể đến Công ty Takesho Food & Ingredients Inc (Nhật Bản) với ngành nghề sản xuất, chế biến gia vị và nguyên liệu... Nhà máy có công suất thiết kế khoảng 600.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 8 triệu UsD. Dự kiến, trong quý I/2020 được khởi công xây dựng và đến quý I/2021 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Trước đó, tại KCN Trà Nóc 1, Nhà máy sản xuất, gia công thủy sản của Liên doanh The Marine Foods Corporation (Nhật Bản) và Công ty TNHH Thực phẩm Xuất khẩu Nam Hải đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 14 triệu UsD; mục tiêu gia công, chế biến thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bên cạnh những ưu điểm, các DN Nhật Bản cũng chỉ ra những điểm yếu của vùng, gồm: Hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng các KCN… cần phải nhanh chóng khắc phục trong giai đoạn tới, nếu muốn thu hút thêm đầu tư. Để khắc phục tồn tại trên, nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL cần điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBsCL thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển nguồn nhân lực tương xứng. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng, tiến tới tạo dựng môi trường đầu tư hoàn thiện, hấp dẫn.
Ông Hirai shinji - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Văn phòng TP. Hồ Chí Minh - đề xuất: Để thu hút FDI Nhật Bản, các KCN cần chia thành nhiều lô nhỏ với diện tích khác nhau để phù hợp với quy mô hoạt động của các DN Nhật Bản. Đồng thời, xây dựng sẵn một số nhà xưởng mẫu để giới thiệu đến các DN, hoặc cho thuê khi DN cần vào hoạt động ngay.
Năm 2020, ĐBSCL sẽ thực hiện nhiều hoạt động nhằm thu hút FDI từ Nhật Bản. Dự kiến, tháng 4/2020, các chuyến bay trực tiếp từ TP. Cần Thơ - ĐBSCL đi Nhật Bản cũng được xúc tiến, cùng với đó là xây dựng khu phố theo phong cách Nhật Bản tại TP. Cần Thơ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu biến ĐBSCL trở thành điểm đến tiềm năng của DN Nhật Bản.