Điều chỉnh một loạt quy định
Cuối tuần qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 120/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 77/2015/NĐ-CP về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công và Nghị định số 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong quá tình triển khai các dự án đầu tư công sẽ được sửa đổi, bổ sung. Ảnh: Đức Thanh
Theo đó, hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công sẽ được sửa đổi, bổ sung, mà một trong số đó là các quy định về điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm.
Cụ thể, ngoài các điều kiện theo quy định tại Điều 56, Luật Đầu tư công, thì các dự án khởi công mới phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư đến ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch, “trừ dự án khẩn cấp, dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước, tăng thu, kết dư ngân sách nhà nước và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Trước đó, theo quy định, tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả dự phòng ngân sách nhà nước và vượt thu, kết dư ngân sách địa phương) đều phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch.
Đây là một vướng mắc khá lớn của các dự án đầu tư công trong mấy năm qua. Bởi thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với các dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước, vượt thu, kết dư ngân sách nhà nước - được sử dụng đầu tư cho các dự án mới cấp thiết - thường phát sinh ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm. Do các nguồn vốn này chưa xác định được vào thời điểm lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, nên các dự án này không thể có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch. Bởi vậy, trong sửa đổi Nghị định lần này, các dự án thuộc diện này được loại trừ.
Tương tự, quy định về thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công cũng đã được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm thực hiện theo quy định tại Điều 76 của Luật Đầu tư công.
Việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP được cho là sẽ góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư, nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài đến hết ngày 31/12 năm sau năm kế hoạch. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm của từng dự án sang các năm sau, nhưng không quá thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 76, Luật Đầu tư công.
Quy định hiện tại chỉ là, thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công được “kéo dài sang năm sau”. Tuy nhiên, trước ngày 15/3 hàng năm, thì các bộ, ngành và địa phương phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính danh mục dự án chưa giải ngân hết kế hoạch năm trước, đề xuất danh mục, lý do và mức vốn kế hoạch năm trước kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau.
Về nguyên tắc, các bộ, ngành và địa phương có thể gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính danh mục dự án đề nghị kéo dài sang năm sau ngay từ tháng 2 hằng năm (sau khi kết thúc thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách hằng năm), Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể thông báo kéo dài ngay sau khi thống nhất số liệu giải ngân với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc thống nhất số liệu giải ngân còn mất nhiều thời gian đối chiếu giữa số liệu giải ngân của bộ, ngành, địa phương và Bộ Tài chính. Thông thường phải đến cuối tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thông báo được số vốn kéo dài cho các bộ, ngành và địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án. Nay thời hạn kéo dài được quy định đến hết năm, sẽ gỡ khó cho nhiều dự án phải kéo dài thời hạn giải ngân.
Thúc đẩy giải ngân
Cùng với việc Luật Đầu tư công đang được hoàn thiện để trình Quốc hội, việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định 120/2018/NĐ-CP được cho là sẽ góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Việc sửa đổi các nghị định nói trên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ từ cuối năm ngoái, sau khi rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân nguồn vốn này.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước gần đây đã có sự cải thiện. Cụ thể, 8 tháng năm 2018, con số ước đạt 176.840 tỷ đồng, đạt 44,24% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 45,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tình hình đã có sự cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái, là năm mà có tình hình giải ngân vốn đầu tư công tương đối chậm, khiến Chính phủ sốt ruột vì có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không khỏi lo lắng, bởi trong khi vốn trong nước có tỷ lệ giải ngân cao hơn khoảng 3%, thì vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân thấp hơn khoảng 14% so với cùng kỳ. Hơn nữa, cũng có sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, trong khi một số đơn vị, như Văn phòng Quốc hội, tỉnh Quảng Trị, Ngân hàng Chính sách xã hội có tỷ lệ giải ngân cao, thậm chí vượt kế hoạch, thì nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam mới giải ngân được 3,41%; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 9,88%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 12,79%...
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, chỉ tiêu về tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP sẽ tiếp tục đạt kế hoạch (bằng khoảng 34% GDP), song cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA.
Nguồn: Báo đầu tư