(Chinhphu.vn) - CPTPP mở rộng cửa hơn cho các doanh nghiệp Canada khi tiếp cận các thị trường năng động nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.Ngày 11/2, tại Trung tâm Hội nghị Vancouver, Bộ trưởng Đa dạng hóa thương mại quốc tế của Canada, ông Jim Carr cùng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Cộng đồng, ông François-Philippe Champagne, và đại diện khối doanh nghiệp đã tham dự buổi lễ đánh dấu việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Để hỗ trợ người dân hưởng lợi từ các thỏa thuận thương mại và tiếp cận các thị trường mới, Chính phủ Canada đang đầu tư 1,1 tỷ CAD (tương đương 827 triệu USD) vào các chương trình và dịch vụ như cung cấp nguồn lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác các cơ hội xuất khẩu mới; tăng cường dịch vụ thương mại dành cho các nhà xuất khẩu; hỗ trợ các sáng kiến giúp tăng giá trị gia tăng, phát triển doanh nghiệp.
Được biết, CPTPP mở rộng cửa hơn cho các doanh nghiệp Canada khi tiếp cận các thị trường năng động nhất tại châu Á-Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp Canada, từ nông dân, ngư dân, các nhà khoa học, các hãng chế tạo... đến các chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ - được tiếp cận khoảng 500 triệu khách hàng mới. Cùng với Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện Canada-EU và Hiệp định Canada-Mỹ-Mexico, các doanh nghiệp Canada được tiếp cận tới 1,5 tỷ khách hàng mới tại hơn 50 quốc gia.
Canada West Foundation, tổ chức tư vấn có trụ sở ở thành phố Calgary của Canada, mới đây đã nhận định rằng, CPTPP đã đến “đúng thời điểm” để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Canada có thể tận dụng lợi thế tại các thị trường chủ chốt ở châu Á, đa dạng hóa thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ - một đối tác ngày càng “khó tính” và “khó đoán định”.
Theo Canada West Foundation, CPTPP đem đến một số lợi thế cho các doanh nghiệp Canada.
Thứ nhất, Mỹ không tham gia hiệp định nên các doanh nghiệp Canada sẽ không phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh vốn đã “quen thuộc” này. Các doanh nghiệp Canada có khả năng “tiết kiệm” tới hơn 400 triệu USD tiền thuế quan mỗi năm và có lợi thế để chiếm thị phần của các doanh nghiệp không nằm trong CPTPP.
Ngoài việc cắt giảm thuế quan, CPTPP tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ giao thương dễ dàng hơn, như tiến trình thông quan hàng hóa thuận tiện, việc điều chuyển nhân sự đến và đi từ Canada sẽ đơn giản hơn và bảo vệ tốt hơn các giao dịch thương mại, cũng như vấn đề bản quyền trí tuệ.
Là quốc gia thứ năm phê chuẩn CPTPP, Canada sẽ là quốc gia duy nhất trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thỏa thuận thương mại với toàn bộ các thành viên khác của G7.
CPTPP kiến tạo nên một thị trường gần nửa tỷ dân, được kỳ vọng sẽ là nơi các doanh nghiệp Canada có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng. Các nước thành viên CPTPP chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Canada. Với lộ trình giảm thuế khá nhanh của Canada (từ 17-18% xuống 0% trong vòng 3 năm), một số nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh từ năm 2019 như dệt may, giầy dép, túi xách, nhựa, đồ gỗ...
Nguồn: Báo Chính phủ