Tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thông tin mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã và đang có những ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, với những ưu điểm và thế mạnh vốn có của Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ còn được phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài mục tiêu đạt 100 tỷ USD tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023, Việt Nam sẽ còn xây dựng được nhiều mục tiêu cao hơn và đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư sẽ thu hút nhiều dự án lớn có hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao của nhà đầu tư Hàn Quốc, hình thành chuỗi giá trị sản xuất phân phối mang tính toàn cầu tại Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phát biểu chào mừng.
Chia sẻ với các doanh nghiệp/ khu công nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, ông Shawn Chang tin tưởng rằng sau đại dịch Covid-19, đầu tư và thương mại Việt Nam – Hàn Quốc khởi sắc trở lại, khẳng định hai bên luôn là đối tác quan trọng không thể tách rời.
Đại diện tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quang Hưng – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chia sẻ tỉnh rất coi trọng công tác thu hút đầu tư vào tỉnh: Tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư Hàn Quốc (Korea desk), Tổ công tác hỗ trợ Dự án hạ tầng KCN Liên Hà Thái; Tổ công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh thông qua Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo.
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, có lực lượng lao động dồi dào (với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó có khoảng 643.000 người đã qua đào tạo), lực lượng này phát triển cả về số lượng và chất lượng, có trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (chiếm 71%) và vẫn đang tăng lên theo thời gian cùng với quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp lớn. Khu kinh tế Thái Bình cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế đầu tư như vị trí địa lý thuận lợi, các mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định pháp luật Việt Nam.
Với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Thái Bình cũng như sự thúc đẩy hỗ trợ từ KOTRA và các bộ ngành của Việt Nam, tôi tin tưởng rằng sau sự kiện này, sẽ có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, khảo sát cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh với tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.
Với lợi thế là tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung bộ, tỉnh Ninh Thuận hiện đang phấn đấu xây dựng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Để tạo động lực bứt phá phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong giai đoạn mới, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; tập trung xúc tiến, thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư uy tín, có thương hiệu, năng lực tài chính để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, có tính cạnh tranh cao. Toàn tỉnh đang chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao gắn công nghiệp chế biến, du lịch kinh tế đô thị, sản xuất công nghiệp, chế biến và giáo dục đào tạo.
Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tập trung rà soát các dự án chậm tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, có quy mô lớn gắn với công tác thanh tra, kiểm tra các dự án, xử lý kịp thời các dự án chậm tiến độ.
Nghệ An – “thị trường” tiềm năng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc
Nghệ An là địa phương nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí địa bàn chiến lược về về an ninh, chính trị, văn hóa; có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp.
Tỉnh Nghệ An tập trung kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng trong nước; công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến nông lâm thủy sản, khoáng sản, đồ uống, trang thiết bị y tế, dược liệu, dược phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến; Các trung tâm thương mại, siêu thị có quy mô lớn; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... Trong thời gian tới, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An tiếp tục xem thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) là nguồn lực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An được các nhà đầu tư dài hạn đánh giá có tiềm năng to lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương luôn thống nhất nhận thức, quan điểm trong việc xử lý đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư; luôn lấy sự hài lòng và thành công của các nhà đầu tư là thước đo, là thành quả phát triển của tỉnh, cơ quan, địa phương. Minh chứng cho điều đó, những năm gần đây chỉ số PCI, PAPI của tỉnh Nghệ An không ngừng được cải thiện.
Vĩnh Phúc – địa điểm đầu tư với nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, và là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tính hết tháng 6/2022, tỉnh Vĩnh Phúc 438 dự án đầu tư FDI đến từ 20 vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất về số dự án đầu tư với 224 dự án đầu tư với tổng số vốn xấp xỉ 2,6 tỉ USD, giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động, tiêu biểu như: Công ty TNHH Power Logics Vina, Công ty TNHH Partron Vina, Công ty TNHH Jahwa Vina,...
Tỉnh luôn hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh thông qua việc thành lập Tổ công tác xúc tiến, hỗ trợ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tiệp nhận giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp thông qua Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính phủ trên Internet. Hàng tuần lãnh đạo Tỉnh và các doanh nghiệp FDI sẽ có những buổi đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tu trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh luôn xác định các nhà đầu tư đầu tại Vĩnh Phúc chính là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh.
Đại diện của 04 địa phương Thái Bình, Ninh Thuận, Nghệ An và Vĩnh Phúc mong muốn luôn lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị đề xuất của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; cam kết thực hiện đúng đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi các cơ chế chính sách theo quy định của pháp luật và của tỉnh cho các nhà đầu tư Hàn Quốc khi thực hiện dự án đầu tư tại địa phương mình.
Tiếp nối sự thành công của chương trình Hội nghị, các khu công nghiệp Việt Nam đã gặp gỡ trực tiếp với các nhà đầu tư Hàn Quốc để trao đổi thông tin cụ thể, tìm hiểu nhu cầu đầu tư và đáp ứng của các khu công nghiệp Việt Nam. 12 khu công nghiệp Việt Nam tham gia Đoàn công tác đều tiếp cận được với các đối tác tiềm năng, đặc biệt trong chuyến công tác lần này, KCN Du Long (tỉnh Ninh Thuận) và KCN An Phát 1 (tỉnh Hải Dương) đã ký thỏa thuận hợp tác MoU với nhà đầu tư Hàn Quốc. Sau buổi giao thương, một số khu công nghiệp Việt Nam đã có những buổi gặp gỡ riêng, trao đổi qua email để tạo bước đầu cho sự đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tham dự Hội nghị và buổi Giao thương đã đánh giá tốt những triển vọng kinh doanh và đầu tư tới Việt Nam. Đây là dịp để các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu trực tiếp thông tin về các địa phương, khu công nghiệp Việt Nam, các dự án kêu gọi đầu tư sau bối cảnh dịch Covid-19.
Các KCN và nhà đầu tư Hàn Quốc trong buổi giao thương chiều ngày 21/9/2022.
Giải pháp cho sự dịch chuyển chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu
Hiện nay, chuỗi giá trị sản xuất cung ứng toàn cần đang dần thay đổi và có xu hướng dịch chuyển sang nhiều quốc gia bởi nguyên nhân khách quan do các biến chứng của đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư và kinh doanh toàn cầu, xung đột thương mại giữa các cường quốc dẫn đến đa dạng hóa các cơ sở sản xuất và tái cơ cấu đầu tư toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam. Và do các nguyên nhân chủ quan từ việc Việt Nam chủ động cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy, thu hút và giữ chân các dòng vốn FDI mới và tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Toàn cảnh Hội nghị Kết nối đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc năm 2022
Để ứng phó với điều này, Việt Nam cần chủ động và chọn lọc thu hút, hội nhập đầu tư nước ngoài dựa trên chất lượng, hiệu quả, tiến bộ công nghệ và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó là việc ưu tiên các dự án có công nghệ mới, cao, “xanh” với hệ thống quản trị hiện đại, hiệu ứng lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối với chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu và tận dụng các thách thức làm động cơ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ - phát biểu của ông Nguyễn Bá Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công thương – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn Xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Hàn Quốc, Đoàn đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông Nguyễn Vũ Tùng – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hàn Quốc bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn công tác và đã ghi nhận những lợi thế của các địa phương, khu công nghiệp tham dự. Bên cạnh đó Ông Nguyễn Vũ Tùng cũng cam kết sẽ hỗ trợ hết mình để thúc đẩy hợp tác giữa địa phương, khu công nghiệp với các đối tác Hàn Quốc nói riêng, giữa Việt Nam với Hàn Quốc nói chung, nhằm góp phần thiết thực và hiệu quả vào mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc lâu dài.
Buổi làm việc của Đoàn công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc
Nguồn: Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương