Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu
(VN-EAEU FTA)
Hiệp định được khởi động đàm phán từ tháng 3/2013 giữa Việt Nam và 3 nước Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan. Ngày 15/12/2014, hai Bên đã ký tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Hiệp định VCUFTA đã được chính thức ký kết ngày 29/5/2015 giữa một Bên là Việt Nam và Bên còn lại gồm 5 nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia và Cư-rơ-gư-xtan) và dự kiến có hiệu lực từ 2016.
Việt Nam cam kết mở cửa thị trường khoảng 90% số dòng thuế với lộ trình trong vòng 10 năm. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục quan tâm của Liên minh Kinh tế Á-Âu, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với một số mặt hàng nông sản (thịt bò, sản phẩm sữa, bột mì); mở cửa có lộ trình 3-5 năm đối với thịt, cá chế biến, máy móc thiết bị điện, máy dùng trong nông nghiệp; 5 năm đối với thịt gà, thịt lợn; 10 năm đối với một số loại rượu bia, ô tô. Thuế nhập khẩu xăng dầu không xóa bỏ sớm hơn năm 2027 và sắt thép có lộ trình xóa bỏ trong vòng không quá 10 năm.
Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng sẽ cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 90% tổng số dòng thuế, trong đó 59% tổng số dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các nhóm mặt hàng sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu gồm: các mặt hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam (phần lớn các mặt hàng thủy sản, một số loại rau quả tươi và rau quả đã chế biến, thịt-cá chế biến, ngũ cốc, gạo (hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn); và một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như dệt may (trong hạn ngạch) và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (đặc biệt là giày thể dục), máy móc, linh kiện điện tử, và một số loại dược phẩm, sắt thép, sản phẩm cao su, gỗ và đồ nội thất…