Tài nguyên thiên nhiên:
*Tài nguyên rừng: 6.534 ha
*Tài nguyên biển, mặt nước:
- Tỉnh Đồng Tháp có sông Tiền chảy qua. Vùng phía bắc sông Tiền có hai nhánh sông Sở Hạ và sông Sở Thượng bắt nguồn từ Campuchia đổ ra sông Tiền ở Hồng Ngự; phía nam sông Tiền có sông Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, sông Sa Đéc đổ ra sông Tiền ở huyện Châu Thành và thành phố Sa Đéc… Vùng phía nam sông Tiền có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Toàn tỉnh có nguồn nước ngọt quanh năm không bị nhiễm mặn
* Tài nguyên khoáng sản: Đất sét làm gạch ngói trữ lượng 68 triệu m3, cát xây dựng trữ lượng 50 triệu m3, than bùn trữ lượng 2 triệu m3, sét Kaolin sử dụng trong công nghiệp sành sứ, gốm mỹ nghệ có trữ lượng rất lớn
Tài nguyên du lịch:
- Thiên nhiên hào phóng, hệ sinh thái ngập nước đã ban tặng cho Đồng Tháp nhiều nguồn tài nguyên du lịch sinh thái quý giá. Trước tiên phải kể đến Vườn quốc gia Tràm Chim, địa danh được nhiều người cả trong và ngoài nước biết đến. Ðây là mô hình thu nhỏ cảnh quan sinh thái của vùng Ðồng Tháp Mười và là nơi sinh sống của sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm được thế giới bảo vệ... Vườn quốc gia Tràm Chim còn đạt được bảy trong chín tiêu chuẩn của công ước quốc tế Ramsar về đất ngập nước. Kế đến là khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, đây là một quần thể gần 2.000 ha rừng tràm nơi tập trung hơn 15 loài chim muông quý hiếm sinh sống, làm tổ và đẻ trứng; cùng với nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng...
- Làng hoa kiểng Sa Đéc bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng, là xứ sở của hàng trăm loài “kỳ hoa dị thảo”.
- Đồng Tháp còn là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử: Khu di tích Gò Tháp là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia với quần thể gồm 5 di tích tiêu biểu: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư, Miếu Bà Chúa Xứ. Đặc biệt, tại đây giới khảo cổ đã phát hiện được di chỉ văn hóa Óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam cách đây khoảng 1.500 năm.
- Khu di tích mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với diện tích đã được mở rộng gần 11 ha nằm cạnh ngay trong nội ô của thành phố Cao Lãnh là công trình ghi ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc - người đã sinh thành ra vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên khu di tích, làng Hòa An truyền thống xưa cũng được tái dựng trong khu di tích với con rạch Cái Tôm, vườn cây, hàng dừa, mận, xoài, cầu tre, đường làng quanh co uốn lượn và đặc biệt là các ngôi nhà kiểu truyền thống xưa như: nhà chữ Đinh, nhà Bát Dần, nhà Sàn, nhà Nọc Ngựa...
- Về Ðồng Tháp, du khách còn nghe điệu hò Ðồng Tháp thật da diết, ngọt ngào trên những đồng sen bạt ngàn hay trên cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay, thăm di tích kiến trúc cổ của chùa Kiến An Cung (chùa ông Quách), thăm Gò Quản Cung - Giồng Thị Ðam, Dinh Ðốc Binh Vàng thờ danh tướng Trần Văn Năng, tham quan vườn cò Mỹ An…
- Những làng nghề truyền thống cũng là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch tại Đồng Tháp như: chiếu Ðịnh Yên, làng đóng xuồng Rạch Bà Ðài, làng dệt khăn choàng tắm Long Thuận, làng nuôi cá bè Hồng Ngự... Hay các món ăn đặc sản quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, bưởi Phong Hòa, nem Lai Vung, mận Hòa An, bánh phồng tôm Sa Giang, hủ tiếu Sa Đéc, các món ăn dân dã: chuột đồng nướng, canh chua bông điên điển, cá rô kho tộ, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, rắn, ếch, mắm… cũng là những lợi thế du lịch, thu hút khách tham quan và thưởng thức.
Tài nguyên con người: Nguồn lao động dồi dào, chiếm 52% dân số toàn tỉnh, hàng năm được bổ sung thêm khoảng 27.000 - 28.000 người từ nguồn chênh lệch giữa số người đến tuổi và lao động hết tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 40%, trong đó, đào tạo nghề đạt 26,6%. Cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế: nông nghiệp chiếm 82,71%; công nghiệp - xây dựng chiếm 6,05%; dịch vụ chiếm 11,24%.
Giao thông: - Giao thông vận tải:
- Đường bộ:
+ Đồng Tháp cũng là tỉnh có nhiều quốc lộ đi qua địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 3.402 km đường giao thông bộ, tuyến đường N2 đã hoàn thành sẽ khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế Đồng Tháp Mười. Cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống đã và đang hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của tỉnh. Hệ thống các Quốc lộ 30, 80, 54 hiện hữu đang được nâng cấp, mở rộng; cùng với đường HCM qua trung tâm Tỉnh vượt sông Tiền, kết nối với các tỉnh ĐBSCL tạo lợi thế về giao thông bộ nối với TP HCM, TP Cần Thơ & các tỉnh trong khu vực.
+ Với đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 48km và 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước & Dinh bà. Đồng Tháp đang tập trung đầu tư khai thác, lợi thế kinh tế biên giới để góp phần phát triển thương mại, dịch vụ đưa nền kinh tế tỉnh nhà ngày một đi lên.
- Đường sắt: Không có
- Đường thủy: Hai nhánh sông Tiền và sông Hậu góp phần làm cho hệ thống giao thông thủy của tỉnh trở nên thông suốt. Hai bến cảng Cao Lãnh và Sa Đéc nằm bên bờ sông Tiền có khả năng đón tàu có tải trọng lên 5000DWT giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện với biển Đông và nước bạn Campuchia.
Hệ thống điện: Gồm 2 nguồn chính: Trạm biến áp 220 Kv Cai Lậy và nhà máy nhiệt điện Trà Nóc
Hệ thống nước: Hiện có 20 nhà máy nước đô thị, 305 trạm cấp nước tập trung, 8.000 giếng khoan gắn bơm tay
Hệ thống Bưu chính viễn thông: Ngoài bưu cục trung tâm, toàn tỉnh còn có 10 bưu cục đặt tại trung tâm các huyện, thị và 37 bưu cục đặt tại các thị tứ và khu vực đông dân cư khác. 100% xã, phường đã được phủ sóng điện thoại. Số máy điện thoại bình quân đạt 12,24 máy/100 dân.
Hệ thống Khu công nghiệp: Hiện tại, có 03 Khu công nghiệp đang hoạt động (Sa Đéc, Sông Hậu và Trần Quốc Toản) với tổng diện tích quy hoạch hơn 251,56 ha, mời gọi đầu tư các dự án với giá cho thuê lại quyền sử dụng đất hiện tại khoảng 30 - 45 USD/m2 cho cả đời dự án.
Công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu luôn được UBND Tỉnh quan tâm và chỉ đạo sâu sát; từ đó đã đạt được những kết quả khá khích lệ (nâng tỷ lệ lấp đầy của 03 Khu công nghiệp đạt trên 99%).
Bên cạnh đó, tỉnh hiện nay đang theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ và thực hiện hoàn chỉnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với Khu công nghiệp Tân Kiều 148,71 ha (thuộc huyện Tháp Mười) dự kiến trong năm 2021 sẽ tạo được quỹ đất công nghiệp để phục vụ cho nhà đầu tư.
* Tỷ lệ lắp đầy của khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động:
1. Khu công nghiệp Trần Quốc Toản: Diện tích đất quy hoạch là 56,3 ha; diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 38,98 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 38,72 ha/38,98 ha chiếm tỷ lệ lấp đầy 99,38%; còn 2.600 m2 đất công nghiệp chưa cho thuê.
2. Khu công nghiệp Sông Hậu: Diện tích đất quy hoạch là 63,56 ha; diện tích đất công nghiệp 47,01 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê: 46,01 ha/47,01 ha; chiếm tỷ lệ lấp đầy 97,86%; còn 01 ha đất công nghiệp chưa cho thuê.
3. Khu công nghiệp Sa Đéc: Diện tích đất quy hoạch 132 ha; diện tích đất công nghiệp 103,67 ha; đất công nghiệp đã cho thuê 103,26 ha/103,67 ha, chiếm tỷ lệ lấp đầy 99,6%; còn 0,4 ha đất công nghiệp chưa cho thuê.
4. Khu Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà: Diện tích quy hoạch 270 ha, diện tích đất được UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế là 52,9 ha; trong đó: đất trống để mời gọi đầu tư là 16,79 ha;
5. Khu Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước: Diện tích quy hoạch 132,5 ha, diện tích đất được UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế là 26,5 ha; trong đó: đất trống để mời gọi đầu tư là 10,956 ha.
Cơ cấu kinh tế:
- Công nghiệp và Xây dựng (45,23%)
- Dịch vụ (19,36%)
- Nông lâm ngư nghiệp (35,41%)
Tốc độ tăng trưởng:
▪ Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn: 2.22%
▪ Tổng sản phẩm bình quân đầu người: 2.412 USD/năm
Thu hút đầu tư:
+ Số lượng dự án: 461
+ Tổng số vốn đầu tư đăng ký: 43.045 tỷ đồng