ĐẮK LẮK – KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ TRUNG TÂM VÙNG TÂY NGUYÊN

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, với lợi thế đất đai màu mỡ, tiềm năng về du lịch, năng lượng tái tạo, đa dạng dân cư và mang nhiều bản sắc văn hoá các dân tộc, được định hướng trở thành cực phát triển của vùng Tây Nguyên, chính quyền tỉnh phối hợp cùng Bộ Kế hoạch đầu tư liên danh các đơn vị thực hiện đề án quy hoạch tỉnh Đắk Lắk tầm nhìn đến năm 2050 hội nhập và liên kết với khu vực và quốc tế trên nhiều lĩnh vực.

Ngày 25/4, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành thẩm định Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự phối hợp giữa các đơn vị Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch đầu tư) – Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế – Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc lên dự thảo Quy hoạch tỉnh phải đề xuất được các phương án phát triển đạt được mục tiêu “xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm Vùng Tây Nguyên; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025”. Nền tảng cho sự phát triển của tỉnh là một bản quy hoạch tốt, đồng thời đảm bảo quá trình triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Ảnh: Thành phố Buôn Ma Thuột

.

Tỉnh lên phương án quy hoạch định hướng các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng là (1) Sinh thái Đất - Nước - Rừng; (2) Bản sắc văn hóa Tây Nguyên; (3) Nền kinh tế xanh, tuần hoàn, đảm bảo phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: Môi trường - Xã hội - Kinh tế trên nền tảng ổn định về sinh thái môi trường, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đến năm 2030, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân phải đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk trở thành tỉnh có Không gian sinh thái - Bản sắc - Kết nối sáng tạo, lấy con người là trung tâm của mọi quá trình phát triển, người dân tỉnh Đắk Lắk cùng nhau thụ hưởng thành quả của quá trình phát triển, sinh thái tự nhiên được phục hồi và gìn giữ; bản sắc văn hóa được bảo tồn trên hệ giá trị nhân văn độc đáo, riêng có của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; nơi nuôi dưỡng và ươm mầm sáng tạo vùng Tây Nguyên, kết nối và hội nhập quốc tế… Người dân Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Hội nhập, có đời sống khá giả, thụ hưởng môi trường sống xanh, sạch, hòa mình vào thiên nhiên và đời sống văn hóa tinh thần phong phú trong không gian sáng tạo đặc trưng Tây Nguyên.

Địa phương còn nhiều tiềm năng và cơ hội cho nhà đầu tư, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2021 - 2030 dự kiến đạt 11%, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 10%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 tăng 12%/năm.

Để làm được điều này, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk xác định 5 đột phá phát triển là chính sách, liên kết phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và y tế và phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác