HỘI NGHỊ HỢP TÁC ĐẦU TƯ VÀ THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – HỒNG KÔNG (TRUNG QUỐC)

Ngày 25 tháng 10 năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC), Hiệp hội các Nhà sản xuất và Xuất khẩu hàng dệt may Hồng Kông (HKKEMA), Hiệp hội Vận tải biển Hồng Kông (HKSC) và các Đơn vị của Bộ Công Thương (Cục Xuất Nhập Khẩu, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi) tổ chức “Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Thương mại Việt Nam – Hồng Kông (Trung Quốc)” tại Hà Nội. Mục đích hội nghị nhằm hỗ trợ các khu công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam duy trì kết nối với doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc), thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, hạ tầng logistics và khu công nghiệp. Hội nghị đã được tổ chức thành công với sự tham gia của gần 70 đại biểu đến từ các cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc).

Ảnh đại biểu tham dự hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết Hồng Kông (Trung Quốc) là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông (Trung Quốc) và là đối tác lớn thứ 2 trong số các nước ASEAN. Theo số liệu thống kê, Hồng Kông (Trung Quốc) nằm trong nhóm đứng đầu nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 31,3 tỷ USD, tính riêng 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký từ Hồng Kông (Trung Quốc) vào Việt Nam đạt khoảng 1,9 tỷ USD với 212 dự án cấp mới và đang không ngừng gia tăng trong các lĩnh vực chế biến chế tạo, năng lượng, dệt may, da giày và bất động sản. Hồng Kông cũng đóng góp vào sự phát triển trong các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, hợp tác đầu tư, tài chính, thương mại, logistics của Việt Nam, từ việc hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực dịch vụ tài chính, thúc đẩy hợp tác, kết nối thị trường chứng khoán Hồng Kông và Việt Nam đến hợp tác đầu tư các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam và hợp tác giáo dục. Các tập đoàn lớn của Hồng Kông hiện có dự án đầu tư và hoạt động tại Việt Nam như Sunwah, Swire Pacific, Jardine Matheson, Chow Tai Fook...
Về thương mại, trong năm 2022, thương mại hàng hoá song phương đạt hơn 12,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 12% từ năm 2017 đến 2022. Tính đến tháng 09/2023, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hồng Kông ước đạt 5,7 tỷ USD, trong đó, các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang thị trường này gồm hàng dệt may, xơ, sợi dệt, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện... Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất gồm phế liệu sắt thép, linh kiện điện thoại, đá quý...


Cục trưởng Vũ Bá Phú phát biểu tại Hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Peter Hui, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất và Xuất khẩu hàng dệt may Hồng Kông (HKKEMA) đánh giá cao sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp hai nước và cho rằng Hội nghị là hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Ông Peter Hui nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đầu tư – thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc), cũng như các doanh nghiệp lớn của Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá cao môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, mong muốn tiếp cận và tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may và hạ tầng logistics.

Ông Peter Hui, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất và Xuất khẩu hàng dệt may Hồng Kông (HKKEMA) phát biểu tại hội nghị

Nhằm cung cấp thông tin về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã trình bày về khuôn khổ pháp lý cũng như giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 163/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hoá thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển. Về cơ sở hạ tầng logistics, ông Trần Thanh Hải cho rằng hệ thống cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ với tổng 286 cảng với chiều dài khoảng 96 km cầu cảng, tổng trọng lượng hàng hoá thông qua đạt hơn 706 triệu tấn, trong đó một số cảng đủ năng lực đón tàu trọng tải lớn nhất thế giới (214.000 DWT). Việc đầu tư góp phần nâng cấp hạ tầng thời gian qua đã thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu, hiện nay các công ty dịch vụ logistics Việt Nam đang thiếu nhân lực trình độ cao, nguồn nhân lực thiếu về số lượng và trình độ chuyên môn như kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin…

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị

Chia sẻ với các đại biểu, ông Phạm Chí Cường, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Nguyên Lãnh sự Thương mại Việt Nam tại Hồng Kông khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và cơ hội hợp tác đầu tư – thương mại với Hồng Kông. Hiện Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN và thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực và thế giới. Về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hồng Kông, hai bên hiện có 02 Điều ước quốc tế song phương là Hiệp định về dịch vụ hàng không được ký năm 1999 và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được ký năm 2008. Năm 2017, Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông, đến giữa năm 2019 thì hiệp định này được tất cả các bên tham gia thông qua và chính thức có hiệu lực. Về thương mại, dự báo tổng kim ngạch trao đổi giữa hai nước cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD, giảm 14% so với cả năm 2022.

Ông Phạm Chí Cường, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị

Về xuất khẩu, 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông năm 2022 là các sản phẩm chế biến, chế tạo. Trong đó, có giá trị cao phải kể đến là các mặt hàng máy vi tính, điện tử (5,9 tỷ USD); điện thoại di động và linh kiện (2 tỷ USD); máy móc thiết bị phụ tùng (854 triệu USD); máy ảnh, máy quay phim (331 triệu USD); hàng dệt may (233 triệu USD). Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu sang Hồng Kông một số Sản phẩm sắt thép (327 triệu USD); thủy sản (163 triệu USD); rau quả (78 triệu USD) và một số sản phẩm khác. Về nhập khẩu, với quy mô cung ứng nhỏ, hàng năm lượng hàng hóa từ Hồng Kông nhập về Việt Nam chỉ khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là máy vi tính, điện tử; máy móc thiết bị phụ tùng; điện thoại di động và linh kiện; phế liệu sắt thép các loại; đá quý và khoáng sản hiếm. Về đầu tư, đến hết năm 2022, Hồng Kông hiện là nhà đầu tư thứ 5 vào Việt Nam, Trong đó, các doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư chủ yếu vào các ngành như công nghiệp chế tạo; bất động sản; nhà hàng khách sạn; sản xuất, phân phối điện, khí.








Chương trình giao thương thu hút gần 50 lượt giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp, khu công nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) ở đa dạng các lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam đều có đối tác gặp gỡ, trao đổi về tiềm năng hợp tác, nhiều doanh nghiệp cho biết đã nhận được những đề nghị tích cực từ đối tác Hồng Kông (Trung Quốc), hai bên đã trao đổi và thảo luận để tiến hành các bước tiếp theo trước khi thực hiện ký kết hợp đồng. Phiên giao thương đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham gia và được kỳ vọng góp phần thúc đẩy giao thương giữa doanh nghiệp hai nước lên một tầm cao mới.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác