Các nội dung doanh nghiệp cần lưu khi lập hồ sơ vay vốn đầu tư sản xuất

Hiện nay Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng đầu tư (cho vay đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư) và chính sách tín dụng xuất khẩu đối với dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Chính sách này được quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 về bổ sung Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước, Thông tư số 35/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 03 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/08/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Để vay được vốn đầu tư sản xuất các doanh nghiệp cần kiểm tra xem mình có nằm trong đối tượng được vay vốn theo quy đinh hay không; Đồng thời cần có dự án cụ thể và đúng mục đích. Để lập được hồ sơ vay vốn đầu tư sản xuất cần nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng về cơ bản, một phương án vay vốn để đầu tư sản xuất cần có đủ 5 yếu tố chính, đó là: pháp lý, mục đích vay, năng lực tạo lợi nhuận, năng lực tài chính, tài sản thế chấp.
1. Thông tin pháp lý 
Điều đầu tiên DN cần chứng minh là tư cách pháp nhân của mình. DN cần cung cấp chính xác các Thông tin về công ty: Địa chỉ, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, thông tin về chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật… và Thông tin về sản xuất, bộ máy tổ chức: Địa điểm thực hiện dự án, thiết bị và công nghệ ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, sơ đồ tổ chức và vận hành dịch vụ, mô tả bộ phận điều hành và quản lý của doanh nghiệp.
2. Mục đích và kế hoạch sử dụng vốn vay.
Ngân hàng muốn đảm bảo mục đích vay vốn của khách hàng là khả thi và hợp pháp. Hồ sơ vay vốn cần thể hiện được sự cần thiết của dự án. Trong phần này, DN cần đáp ứng những yêu cầu sau:
Hạn mức tín dụng đề nghị;
Mục đích sử dụng vốn;
Kế hoạch rút vốn: trên cơ sở triển khai các hợp đồng, công ty sẽ lên kế hoạch vay và lịch trả nợ cho từng lần nhận;
Phương thức giải ngân;
Thời hạn trả nợ theo hạn mức;
Nguồn trả nợ tiền vay: Từ tiền thu từ phương án, Tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh  hiện tại và từ các nguồn khác.
3. Năng lực tạo lợi nhuận.
Yếu tố tiếp theo đó là khả năng tạo lợi nhuận của kế hoạch kinh doanh. 3 yêu cầu chính của dự án vay vốn kinh doanh gồm:
Xác định được thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đầu ra của dự án.
Khả năng cung cấp nguyên vật liệu và các yếu tố đầu vào.
Hiệu quả tài chính của dự án (doanh thu dự kiến, chi phí dự kiến, lợi nhuận dự kiến).
4. Năng lực tài chính.
Năng lực tài chính được phản ánh qua kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Tình hình tài chính của doanh nghiệp được thể hiện qua các chỉ tiêu: Tổng doanh thu, Lãi gộp, Lợi nhuận trước thuế, Tổng tài sản có, Tài sản lưu động, Tài sản cố định, Vốn chủ sở hữu, Nợ ngắn hạn, Nợ trung, dài hạn…
Kết quả kinh doanh thể hiện qua tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được.
5. Tài sản đảm bảo.
Các loại tài sản thế chấp cho khoản vay cần có giấy tờ pháp lý đầy đủ, được thể hiện chi tiết trong dự án và dự án sẽ thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay.
Như vậy, dự án vay vốn của khách hàng về cơ bản được xây dựng dựa trên kết quả kinh doanh, năng lực tài chính, và tính khả thi, hiệu quả của dự án.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác