Tiềm năng và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa (bài 1)

1. Tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh Thanh Hóa
 
Tỉnh Thanh Hoá hiện nay đang có rất nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thanh Hóa có lãnh thổ rộng lớn với 11.129,48km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước và nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Việt Nam. Thanh Hóa có 102km đường bờ biển, 3,64 triệu dân là tỉnh đông dân thứ 3 của Việt Nam; đặc biệt, Thanh Hoá đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào với trên 2,5 triệu lao động, chiếm tỉ lệ hơn 60% dân số của tỉnh; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%.
 
Thanh Hoá có vị trí chiến lược giao thông thuận lợi cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không: có cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng khai thác trên 100 triệu tấn hàng/năm và tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 DWT đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc; Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, hiện đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước; có cửa khẩu Na Mèo liên thông với nước bạn Lào và các nước ASEAN. Khu Kinh tế Nghi Sơn với diện tích 106.000 ha là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam đang được vận hành với cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước. Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ USD, đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 12/2018; các dự án Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, ximăng, bến cảng, sản xuất dầu ăn...
 
Ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 8 khu công nghiệp, với diện tích 2.035ha; trong đó, có 5 khu công nghiệp được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ hoặc một phần, đáp ứng yêu cầu về thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Ngoài ra, trên cơ sở khai thác lợi thế của Cảng Hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa đang tập trung xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp Lam Sơn-Sao Vàng, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 6.000ha và cùng với Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong tương lai sẽ trở thành những khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Thanh Hóa là một trong rất ít tỉnh của cả nước có đủ các vùng sinh thái, đó là trung du miền núi, đồng bằng và ven biển; có nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản đa dạng và phong phú, thuận lợi cho phát triển nông - lâm nghiệp, nhất là công nghiệp xi-măng, vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và các ngành công nghiệp gắn với cảng nước sâu. Thanh Hóa có nhiều vùng sinh thái khác nhau. Dải ven bờ biển Thanh Hóa có diện tích bãi triều trên 8.000ha (chưa tính bãi triều 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi năm bồi tăng thêm từ 10-50m) là nguồn tài nguyên lớn về nuôi trồng thủy sản nước lợ như tôm sú, tôm he, cua và rong câu... Diện tích nước mặn khoảng trên 5.000ha, phân bố chủ yếu ở vùng đảo Mê, Biện Sơn có thể nuôi cá song, cá cam, trai ngọc, tôm hùm dưới hình thức nuôi lồng bè. Ngoài ra với hàng ngàn hecta vùng nước mặn ven bờ, thuận lợi nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, sò, ngán...
 
Về hạ tầng giao thông đến nay các công trình đã phát triển tương đối đồng bộ, nhất là các tuyến đường giao thông phát triển, kết nối các vùng miền trong tỉnh, kết nối Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các khu du lịch... đồng thời, kết nối với các tỉnh, với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Trong đó, phải kể đến tuyến đường sắt Bắc-Nam; các tuyến đường giao thông như Đường Hồ Chí Minh; các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A; đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường Bãi Trành-Nghi Sơn (nối đường Hồ Chí Minh với Khu Kinh tế Nghi Sơn), đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh... 
Hiện Thanh Hoá đang thực hiện kết nối các tuyến đường như đường bộ cao tốc ven biển; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cầu cảng, cảng biển Nghi Sơn với 62 cảng kể cả cảng container và cảng chuyên dụng. UBND tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ việc vận chuyển qua cảng Nghi Sơn. Mỗi chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 200 triệu; DN vận chuyển mỗi con 20 fit trở lên được hỗ trợ từ 33 - 45 USD. Hải quan Thanh Hoá sẽ làm tận nơi, trực tiếp, nhanh gọn và có thể trực tuyến.

 Giới thiệu chung về Khu kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa, Thong tin kkt Nghi Son
Giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hoá đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện. Vai trò, vị thế của Thanh Hoá ngày càng được khẳng định và nâng cao cả trong và ngoài nước. Kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 12,1%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước; thu ngân sách tăng bền vững. Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã thu hút được 1.072 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 115 nghìn tỷ đồng và gần 3,6 tỷ đô la Mỹ. Trong đó KKT Nghi Sơn và các KCN thu hút được 249 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 47.427 tỷ đồng và 3,3 tỷ USD nên lũy kế có 606 dự án với tổng đăng ký 147.459 tỷ đồng và 13,246 tỷ USD đầu tư vào khu vực này. Đến nay có 411 dự án hoàn thành, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia như nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn; nhà máy luyện cán Thép Nghi Sơn; dây chuyền 1 và 2 nhà máy xi măng Long Sơn; Nhiệt điện Nghi Sơn 2; nhiều dự án cảng biển, may mặc, da giày... có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, khu vực và cả nước. Trong giai đoạn này, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại của các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn và các KCN dự kiến đạt 577.034 tỷ đồng, vượt 30,8% kế hoạch; tổng giá trị xuất khẩu đạt 8.576 triệu USD, vượt 39% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước đạt 56.379 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 104.000 lao động.
 


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác