An Giang – Điểm đến của các nhà đầu tư Hàn Quốc

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa qua đã có buổi tiếp và làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc về kế hoạch hợp tác phát triển đầu tư – thương mại của tỉnh An Giang và Hàn Quốc.

Tại buổi làm việc, ông S.Y.Oh  - đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc đã trình bày tóm tắt dự án đăng ký đầu tư tại khu công nghiệp Xuân Tô, huyện Tịnh Biên. Theo đó, dự án Khu công nghiệp thông minh Hàn Quốc (Korea Smart Industrial Park) có tổng vốn đầu tư dự kiến là 820 triệu USD, với diện tích sử dụng đất 150 ha, được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là trung tâm dệt may lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động tại địa phương, sẽ hình thành một chuỗi sản xuất hàng may mặc khép kín từ khâu dệt nhuộm đến cắt, may thành phẩm. Các hạng mục đầu tư bao gồm: cơ sở hạ tầng KCN, nhà xưởng sản xuất, khu xử lý nước thải,… với khoảng 25 nhà đầu tư thứ cấp mong muốn được đăng ký đầu tư nhà xưởng ngành nghề may mặc. 
Theo ông S.Y.Oh, để đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường đối với ngành dệt, nhuộm vải, nhà đầu tư sẽ tiến hành đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 30.000 m3/ngày đêm sử dụng công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn đầu ra thân thiện với môi trường như mô hình khu xử lý nước thải của doanh nghiệp đã đầu tư ở Mộc Bài – Tây Ninh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết tỉnh nhiệt liệt hoan nghênh thiện chí của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đối với dự án Khu công nghiệp thông minh Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Xuân Tô, đây là dự án phù hợp với chủ trương về phát triển công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế biên giới, thúc đẩy quá trình đô thị hóa để huyện Tịnh Biên đạt tiêu chí thị xã trong tương lai không xa.
Chủ tịch nhấn mạnh rằng: Do quy trình sản xuất của dự án có ngành nghề dệt, nhuộm và quy mô đầu tư lớn nên các sở, ngành, UBND huyện Tịnh Biên cần tiếp tục trao đổi với nhà đầu tư để hướng dẫn các thủ tục cần thiết về đăng ký đầu tư dự án, với tiêu chí xem xét hàng đầu là phải thực hiện các giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi biên giới Tịnh Biên nói riêng và của tỉnh An Giang nói chung./. 



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác