Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gặp song phương với Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản

Tại buổi họp, hai bên bày tỏ sự hài lòng với những thành quả hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương đạt được trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018. Thương mại và đầu tư song phương Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Để đạt được những kết quả này, hai Bên đã hợp tác chặt chẽ và không ngừng nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư song phương phát triển cũng như luôn sáng tạo xây dựng khung khổ và cơ chế hợp tác giữa hai Bộ METI và Công Thương gắn với hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Hai Bộ trưởng đã tập trung thảo luận về cơ chế hợp tác, biện pháp tổng thể để xử lý những vấn đề vướng mắc tại những dự án năng lượng có đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, các dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản phát triển hạ tầng năng lượng... Hai Bộ trưởng cùng nhất trí phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong các nội dung được quan tâm như: (i) Phát triểnngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam gắn kết với chuỗi giá trị công nghiệp của Nhật Bản; (ii) Sáng kiến hỗ trợ nâng cao năng lực của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam nhằm giúp gia tăng gia trị, năng lực cạnh tranh và thương hiệu của mặt hàng thực phẩm Việt Nam; (iii) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; (iv) Sử dụng hiệu quả năng lượng; (v) Thực hiện các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực thực thi các thỏa thuận mà hai Bên đã cam kết thực hiện từ năm 2017.

Để có thể triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác giữa 2 Bộ nói riêng và khung khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước, hai Bộ trưởng thống nhất cùng nhau thảo luận và xây dựng những cơ chế, sáng kiến hợp tác mới theo đó có sự đồng hành, gắn kết và chung sức giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nghiệp đoàn kinh tế hai nước trong việc triển khai những nội dung hợp tác cụ thể, trong những lĩnh vực mà hai bên quan tâm, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, phát triển thị trường…

Hai Bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn và tổ chức kinh tế đa phương và khu vực để đảm bảo duy trì ổn định hệ thống thương mại đa biên với các chuẩn mực của WTO; giảm thiểu các tác động tiêu cực của xu hướng bảo hộ mậu dịch gần đây tại một số quốc gia; thúc đẩy đưa Hiệp định CPTPP đi vào thực thi; xử lý tốt những nội dung còn lại để sớm ký kết Hiệp định RCEP trong thời gian tới.

Năm 2017 Nhật Bản là đối tác thương mại số 4 của Việt Nam sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 33,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 16,8 tỷ USD và nhập khẩu 16,6 tỷ USD.Mặt hàng xuát khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản là dệt may, giày dép, nông thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, nhiên liệu và khoáng sản, gia dụng… Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam năm 2017 với tổng vốn đăng ký đạt trên 9 tỷ USD. Đầu tư của Nhật Bản chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại, chế biến hàng nông sản…
 
Nguồn: Bộ Công Thương 

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác