FTA ASEAN – Australia.New Zealand (AANZFTA)

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ AANZFTA
Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-NiuDiLân (AANZFTA)

Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Úc và Niu Di lân (AANZFTA) đã được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 14 vào ngày 27/02/2009 tại Hua Hin, Thái Lan. Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/01/2010.

(i) Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam
Lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam cam kết trong AANZFTA là đến năm 2022 với tỷ lệ xóa bỏ thuế quan là 92% số dòng thuế, 8% số dòng thuế còn lại được cắt giảm theo lộ trình riêng hoặc được giữ nguyên thuế suất.

Để thực hiện cam kết, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 168/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Úc-Niu Di-lân giai đoạn 2015-2018. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

        Năm 2015, có 2.666 dòng thuế được xóa bỏ thuế quan (chiếm 28,1% biểu thuế), tập trung vào nhóm các mặt hàng: Ngũ cốc; Gỗ; Rau quả; Thủy sản; Bông các loại, chất dẻo nguyên liệu; Gốm, sứ; Nguyên liệu dược phẩm; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; Than đá; Hóa chất...

Năm 2018, có 8.127 dòng thuế được xóa bỏ thuế quan (chiếm 86% biểu thuế), tập trung vào nhóm các mặt hàng: Bánh, kẹo; Dược phẩm; Giấy; Gỗ Hàng may mặc và đồ phụ trợ may mặc; Hóa chất; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Ngô; Nguyên phụ liệu dược phẩm...

       Lộ trình giảm và xóa bỏ thuế quan cuối cùng trong AANZFTA là năm 2022 với 8.669 dòng thuế được xóa bỏ thuế quan (chiếm 92% biểu thuế), bao gồm các nhóm hàng được xóa bỏ thuế quan từ năm 2018 nêu trên và các nhóm hàng: chăn nuôi; dược phẩm; đường; gạo; gỗ, giấy; hóa chất; mỹ phẩm; điện gia dụng; rau quả; sắt thép và sữa. Ngoài ra, có 513 dòng thuế sẽ về 5%, tập trung vào nhóm hàng như: chất dẻo nguyên liệu; dược phẩm; giấy các loại; khí đốt hóa lỏng; linh kiện, phụ tùng ô tô; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; ô tô nguyên chiếc các loại; phôi thép; cao su; sản phẩm từ dầu mỏ khác; sắt thép.

          Các mặt hàng như hoa quả (cam, quýt); rượu bia, xì gà, dầu mỏ, lá thuốc lá, một số sản phẩm sắt, thép, xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa... sẽ không phải xóa bỏ thuế quan mà có lộ trình cắt giảm riêng với năm kết thúc 2020/2022.

        (ii) Cam kết cắt giảm thuế của  Úc và Niu Di lân dành cho Việt Nam
- Năm 2015, Úc xóa bỏ thuế quan khoảng 97% dòng thuế (trong đó có 0,4% dòng thuế được cắt giảm về 0% so với năm 2014, chủ yếu là các mặt hàng dệt may). Các dòng thuế còn lại hiện Úc chưa được xóa bỏ thuế quan đều ở mức thuế suất thấp (từ dưới 10%), chủ yếu đối với một số mặt hàng như: măng tre, chỉ phẫu thuật, gỗ và sản phẩm gỗ, ván sợi, thảm, áo khoác, chăn, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm từ sắt thép, vải các loại...

- Năm 2015, Niu Di lân cam kết xóa bỏ thuế quan khoảng 91%, hiện còn duy trì thuế suất thấp (dưới 10%) đối với các mặt hàng thuộc nhóm: Bánh, kẹo & sản phẩm từ ngũ cốc, chất dẻo nguyên liệu, dầu mỡ động thực vật, gỗ và sản phẩm gỗ, hóa chất, linh kiện, phụ tùng ô tô, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, cao su...

        - Đến cuối lộ trình năm 2022, Úc và Niu Di lân sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác